BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN PHẢI LỌC MÁU NÊN ĂN GÌ?
BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN
PHẢI LỌC MÁU NÊN ĂN GÌ?
Các chất có hại cho cơ thể như ure,
creatinin... có nguồn gốc từ việc chuyển hóa các thức ăn và việc ăn uống không
đúng cũng dẫn đến tăng các chất khác như muối (natri), kali, phospho và nước
dẫn đến những biến chứng không tốt ở người bị suy thận mạn phải lọc máu.
Để giúp làm giảm tần suất và tăng hiệu quả của
các biện pháp thay thế thận (lọc máu chu kỳ) cũng như tránh các biến chứng nguy
hiểm ở người suy thận giai đoạn cuối, người bệnh cần có một chế độ ăn uống đặc
biệt.
Có thể nói, thận
là “cửa ngõ” của cơ thể với vai trò cực kỳ quan trọng là đảm
bảo hằng định nội môi cho cơ thể thông qua việc đào thải các chất độc và đảm
bảo cân bằng nước và các chất điện giải qua con đường nước tiểu. Khi thận bị
suy, các chức năng này bị mất nên bệnh nhân phải được điều trị bằng các biện
pháp thay thế thận như lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng để loại bỏ các độc chất và
lượng nước dư thừa trong máu. Sau đây là một số điểm mà bệnh nhân suy thận giai
đoạn cuối cần chú ý khi ăn uống.
-
Hạn
chế thức ăn nhiều protein
Bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ, hoặc
lọc màng bụng nên tránh ăn quá mức các thức ăn chứa nhiều protein như thịt nạc,
thịt gà, cá, trứng, tôm vì các thức ăn này sau khi được chuyển hóa sẽ sinh ure
và creatinin.
Hai chất này tăng nhanh trong máu sẽ gây độc
cho cơ thể. Tăng ure máu quá cao và nhanh sẽ có nguy cơ bị hội chứng ure huyết
cao với các triệu chứng như đau đầu, nôn, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy...
Lượng creatinin cao trong máu cũng cần loại bỏ nhanh bằng lọc máu nhân tạo
(thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) vì vậy cần tránh tăng chất này bằng việc hạn
chế ăn thịt, cá, trứng...
-
Giảm
thiểu muối
Thận suy đã mất khả năng thải trừ muối qua
nước tiểu nên khi bệnh nhân ăn nhiều muối sẽ tích nước gây phù, làm huyết áp
tăng, phù phổi cấp, thậm chí có thể có triệu chứng của hội chứng tăng natri máu
như đau đầu, nôn, dấu hiệu mất nước, và nặng hơn có thể hôn mê và tử vong.
Mặt khác, khi ăn mặn, bệnh nhân sẽ phải uống
nhiều nước và điều này làm dư thừa lượng nước trong cơ thể quá nhanh và phải
chạy thận nhân tạo nhiều lần hơn. Bệnh nhân suy thận mạn nên ăn nhạt với lượng
muối dưới 1.500mg/ngày. Tránh các thức ăn mặn như nước mắm, mì ăn liền, đồ hộp
mặn, trứng muối, cá biển...
-
Tránh
các thức ăn chứa nhiều kali
Tăng kali máu luôn là một biến chứng nguy hiểm
hàng đầu ở những bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ. Bình thường, lượng
kali trong máu dao động trong khoảng từ 3.5 - 4.5mmol/l và được thận điều chỉnh
đào thải ra ngoài rất nhanh qua nước tiểu nếu lượng kali từ thức ăn đưa vào quá
nhiều.
Ở người suy thận giai đoạn cuối, chức năng đào
thải kali của thận gần như bằng không nên nguy cơ tăng kali máu luôn luôn hiện
hữu và khi kali máu tăng cao, bệnh nhân có thể tử vong do loạn nhịp tim. Các
thức ăn nhiều kali bao gồm các loại quả như chuối, đu đủ và một số loại thực
phẩm đóng hộp. Một số loại sữa cũng có ghi rõ lượng kali trên nhãn mác và người
bị suy thận có thể tham khảo trước khi dùng.
-
Không
nên ăn các thức ăn có nhiều phospho
Thức ăn chứa nhiều phospho làm tăng lượng
phospho trong máu ở người suy thận giai đoạn cuối do thận đã mất khả năng đào
thải phospho. Khi lượng phospho tăng cao sẽ làm xương mất canxi và gây loãng
xương. Các thức ăn chứa nhiều phospho là các loại sản phẩm sữa, đậu, ngũ cốc
nguyên hạt (ngũ cốc chưa xay giã kỹ như gạo lứt), coca cola, bia.
-
Kiểm
soát lượng nước vào cơ thể
Một trong những vấn đề người suy thận mạn đang
phải lọc máu chu kỳ phải đặc biệt chú ý đó là điều chỉnh lượng nước vào cơ thể.
Ở người bình thường, lượng nước vào cơ thể từ các nguồn thức ăn, nước uống
khoảng 3.000ml và mất đi một lượng tương đương chủ yếu qua nước tiểu (khoảng
2.000ml) và một phần nhỏ qua mồ hôi, phân, hơi thở. Khi thận bị suy, chức năng
thanh thải nước tự do hay khả năng tạo nước tiểu mất đi.
Bệnh nhân cứ 3 - 4 ngày phải đi chạy thận nhân
tạo hoặc lọc màng bụng hàng ngày để loại bỏ lượng nước thừa đưa vào cơ thể qua
con đường ăn uống. Giả sử tổng lượng dịch một người bị suy thận ăn uống vào
trong ngày là 3.000ml, mất đi qua mồ hôi, hơi thở và phân khoảng 1.000ml, bệnh
nhân sẽ còn dư 2.000ml hay 2 lít/ngày hay 2kg, 2 ngày là 4kg và 3 ngày bệnh
nhân sẽ thừa 6 lít nước hay tăng 6kg!
Lượng nước dư thừa này là nguyên nhân góp phần
làm tăng huyết áp, chứng khó thở do phù phổi cấp và phù dưới da (tay, chân,
mặt...) cũng như tràn dịch các khoang màng bụng, màng phổi, màng ngoài
tim…ở người suy thận mạn. Kiểm soát lượng nước vào cơ thể bao gồm ăn nhạt để
hạn chế uống nước, cân hàng ngày để đánh giá đúng lượng nước thừa.
Có thể cân ngay sau khi rút bỏ nước khi lọc
máu nhân tạo rồi cân lại hàng ngày để đánh giá lượng nước thừa. Đối với bệnh
nhân lọc màng bụng càng cần phải kiểm soát lượng nước vào ra nghiêm ngặt hơn.
Bs. Nguyễn Quang Anh
Tuấn – T3G