BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Thứ ba Ngày 20 Tháng 12 2022 18:56:43 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì? 

Theo Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease- GOLD): Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổ biến, có thể phòng và điều trị được. Bệnh được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở và/hoặc phế nang, thường gây nên bởi sự phơi nhiễm đáng kể với các hạt bụi hoặc khí độc hại và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vật chủ bao gồm cả sự bất thường trong quá trình phát triển của phổi. 


2. Ai có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính? 

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Khói thuốc lá, thuốc lào kể cả hút chủ động hay thụ động là nguy cơ hàng đầu gây COPD.


Khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như người làm việc trong môi trường có nhiều bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian lâu, cường độ mạnh thì có thể dẫn đến COPD và khi có thêm khói thuốc lá thì tiến triển của bệnh càng nặng hơn.

Cần chú ý cả những người sống ở nơi bị ô nhiễm không khí (kể cả không khí trong và ngoài nhà) cũng có nguy cơ mắc COPD: Nồng độ ô nhiễm không khí cao ở thành thị rất có hại cho người bệnh tim và phổi. Sự ô nhiễm không khí trong nhà như khói từ các chất đốt củi, rơm rạ, than…đặc biệt ở nơi thông gió kém là các nguy cơ cao gây COPD.

3. Các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp?

Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác cho đến khi có xuất hiện tổn thương phổi và thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, đặc biệt nếu tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc. Tổn thương trong tắc nghẽn phổi mạn tính ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ có đường kính < 2mm và nhu mô phổi.

Các dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ban đầu có thể bao gồm:

  • Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất;
  • Thở khò khè;
  • Tức ngực;
  • Ho có đờm kéo dài;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên;
  • Thiếu năng lượng;
  • Giảm cân ngoài ý muốn (trong giai đoạn sau);
  • Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân.
  • Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh

Những người mắc bệnh cũng có khả năng trải qua các đợt cấp trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, corticoid…chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại.

4. Làm thế nào để biết được mình có phải đang bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay không?

Triệu chứng cơ năng nổi bật nhất của COPD là ho khạc đờm mạn tính và khó thở. Lúc đầu thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong một năm và liên tục từ 2 năm trở lên. Khạc đờm vào buổi sáng, thường xuyên, đờm trong và nhày số lượng ít sau khi ho. Tuy nhiên một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc dầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ.

Nếu bạn nằm trong số những người có các yếu tố nguy cơ của COPD và có các triệu chứng như trên, bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và làm thêm các xét nghiệm như chụp Xquang tim phổi, đo chức năng hô hấp với Test hồi phục phế quản để khẳng định chẩn đoán.

5. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

 

Bệnh được chẩn đoán chủ yếu dựa trên những người ở độ tuổi ngoài 40, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc khói bụi kéo dài. Kết quả chẩn đoán được xác định khi thấy có rối loạn thông khí tắc nghẽn cố định. 

Đo chức năng hô hấp (hô hấp ký) là xét nghiệm cho phép kiểm tra và phát hiện mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD. Xét nghiệm này cho biết thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và trong phổi. Đây là thăm dò khá đơn giản và hầu như không gây đau đớn, khó chịu hay tai biến cho bệnh nhân.

Hô hấp ký là xét nghiệm cần thiết để:

  • Chẩn đoán xác định COPD và phân biệt bệnh với các bệnh phổi khác như hen phế quản; 
  • Đánh giá sớm mức độ tắc nghẽn phế quản; 
  • Theo dõi tiến triển của bệnh; 
  • Lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Ngoài đo chức năng hô hấp đơn thuần, những thăm dò chức năng phổi hữu ích trong đánh giá bệnh bao gồm: Đo dung tích toàn phổi, đo thể tích khí cặn, khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch (DLCO).

Dựa vào các kết quả đo chức năng thông khí ở phổi, bác sĩ có thể chia bệnh thành các giai đoạn khác nhau:

-         COPD giai đoạn sớm: Ở giai đoạn này, bệnh nhân có viêm niêm mạc đường thở, tăng tiết đờm. Trên lâm sàng thường bệnh nhân có biểu hiện ho khạc đờm kéo dài, có thể xuất hiện khó thở khi tiếp xúc các yếu tố nguy cơ như khói thuốc, khói bếp, hoặc khi thay đổi thời tiết.

-         COPD giai đoạn muộn hơn: Ở giai đoạn này bệnh đã tiến triển nặng hoặc rất nặng. Bệnh nhân có hiện tượng khó thở khi gắng sức, những trường hợp nặng (giai đoạn 4), người bệnh có khó thở khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục. Ngoài ra, người bệnh có thêm các biểu hiện đi kèm như: phù chân, tím môi…

 

Câu hỏi số 6. Các biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh COPD có thể gây ra một số biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

1. Tràn khí màng phổi

Người bệnh mắc bệnh ở giai đoạn nặng có tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài dẫn tới hiện tượng lượng khí hít vào trong phế nang không được thở ra hết. Lượng khí tích tụ này tăng lên làm cho phế nang bị căng giãn, mỏng dần đi và dễ bị vỡ vào khoang màng phổi gây ra tràn khí màng phổi. Tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa nếu tình trạng này kéo dài và không được khắc phục.

2. Bệnh tim

Trong giai đoạn nặng của bệnh, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên, bên cạnh đó, do vách các phế nang (túi khí của phổi) cũng bị phá hủy, lại càng làm cản trở sự trao đổi khí, do vậy làm nồng độ khí oxy trong máu bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan đặc biệt là tim. 

Không những vậy, tổn thương phế quản và phế nang càng nhiều khiến áp lực máu trong tuần hoàn phổi càng tăng, tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng giãn và thậm chí là suy tim phải. 

3. Giảm tuổi thọ

Ngay cả bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ cũng có thời gian sống giảm hơn bình thường, người mắc COPD càng nặng thì thời gian sống càng ngắn. Hầu hết các bệnh nhân đều được chẩn đoán khi bệnh đã nặng hoặc rất nặng. Chỉ khoảng 70% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng và 30% rất nặng sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh. 

Khoảng 30% bệnh nhân chết vì suy hô hấp cấp và mạn tính, sau đó là suy tim (13%). Các nguyên nhân gây tử vong tiếp theo bao gồm: Nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi. 

4. Tàn phế

  • Tàn phế hô hấp: tình trạng khó thở và đau cơ sẽ làm giảm khả năng vận động.
  • Tàn phế về mặt xã hội: người bệnh sẽ có cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội, hoạt động thường ngày phải phụ thuộc người khác. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Khoảng 60% các bệnh nhân có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 giờ/ngày, càng làm gia tăng tình trạng trầm cảm của bệnh nhân. 

 

7. Khi nào thì bệnh nhân cần đi viện vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

 

Tiến triển tự nhiên của COPD là một quá trình mạn tính và trên nền tảng này có các đợt nặng lên gọi là đợt bùng phát hay đợt cấp. Đặc trưng của đợt cấp COPD là sự thay đổi các triệu chứng của người bệnh như khó thở, ho kèm theo khạc đờm hoặc không, khác với diễn tiến hàng ngày, khởi phát cấp tính và có thể phải thay thuốc điều trị thường ngày.

Khi có các biểu hiện như khó thở tăng và/ hoặc ho khạc tăng, đờm đang màu trắng trong chuyển thành trắng đục hoặc đờm có màu xanh, màu vàng, thể tịch đờm tăng, có thể có sốt hoặc không sốt, có đau ngực hoặc không, đặc biệt là người bệnh có thay đổi về ý thức (nói nhảm, ngủ gà, lơ lơ), cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, nhập viện điều trị hoặc có thể điều trị ngoại trú tùy theo mức độ đợt cấp.

Nhận biết sớm đợt cấp và điều trị kịp thời sẽ là giảm tỷ lệ tử vong, ngăn chặn tình trạng giảm chức năng hô hấp - một trong những nguyên nhân của sự tàn phế và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

8. Bệnh COPD có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

 

Cho đến nay chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, nếu tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân có thể được kiểm soát tình trạng bệnh và giảm số đợt cấp cần nhập viện.

Khi đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh cần lưu ý tuân theo các chỉ dẫn:

  • Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc;
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng cách;
  • Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu;
  • Hiểu về bệnh và các dấu hiệu cần thay đổi điều trị, khám bác sĩ hoặc nhập viện cấp cứu. 

Các loại thuốc giúp giảm triệu chứng bệnh bao gồm các thuốc corticoid, thuốc giãn phế quản. Nhìn chung, các thuốc đường hít, phun thường được ưu tiên sử dụng hơn so với thuốc uống hoặc thuốc tiêm truyền tĩnh mạch. Điều trị bằng thuốc giãn phế quản được chỉ định khi có khó thở, tuy nhiên hiệu quả của thuốc giãn phế quản trong COPD không phải lúc nào cũng được như mong muốn. 

-         Lý liệu pháp là một cách điều trị nhằm giúp giải phóng sự tắc nghẽn phế quản bởi dịch tiết khi có các đợt cấp và cũng là cách điều trị phục hồi chức năng phổi.

-         Điều trị Oxy (Oxy liệu pháp) được chỉ định ở giai đoạn suy hô hấp khi người bệnh thiếu oxy trong máu.

-         Thở máy không xâm nhập có thể được chỉ định trong trường hợp suy hô hấp nặng, mệt cơ hô hấp

-         Đặt van một chiều nội phế quản, phẫu thuật giảm thể tích được đặt ra trong các trường hợp đặc biệt để điều trị các hậu quả của giãn phế nang. Các tổn thương giãn phế nang không phải chỉ tập trung một chỗ vì vậy phẫu thuật chỉ có thể cắt bỏ được một số tổn thương.

-         Liệu pháp tế bào gốc có thể được khuyến cáo trong tương lai.

9. Cách phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

 

-          “Không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng. Bên cạnh đó, mỗi người cần hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.”

-         Ngoài ra, tiêm phòng cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. Người lớn tuổi là đối tượng cần chú ý tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu. Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý mạn tính ở phổi.

-         Bên cạnh đó, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Không chỉ người bệnh, những bài tập thở còn mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả mọi người.

Các bài tập thở: 

1. Hít thở kiểu thở chúm môi

- Hít vào bằng mũi (mím môi), thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi lại như thổi sáo). Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Lặp đi lặp lại 5-10 lần.

- Mỗi ngày ít nhất 3 lần, mỗi lần 15 phút. Sau khi quen rồi có thể dùng cách thở này liên tục hằng ngày.

 

2. Tập hít vào với sự tham gia tích cực của bụng (thở bụng)

- Nằm thẳng lưng, đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô lên. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp xuống. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.

- Tương tự với tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô ra. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp lại. Cố gắng giữ nguyên tay trên ngực. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.

3. Tập ho có điều khiển

- Hít vào thật sâu rồi thở ra thật nhanh và mạnh. Động tác này giúp tăng lưu lượng nhỏ, do vậy giúp đẩy đờm từ phía dưới đường thở lên bên trên. 

- Miệng hơi hé mở, ho khoảng 2-3 lần để đẩy đờm lên cổ họng. 

10. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ra sao?

Khoảng 25 – 40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Việc bổ sung dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hậu quả của suy dinh dưỡng ở bệnh nhân COPD: làm giảm tính đàn hồi của phổi và chức năng hô hấp; giảm khối lượng, giảm sức cơ của  cơ hô hấp; thay đổi cơ chế miễn dịch tại phổi; dễ nhiễm trùng tại phổi; thiếu đạm, sắt làm giảm nồng độ Hemoglobin trong máu đây là chất có vai trò quan trong trong vận chuyển oxy; thiếu vitamin C ảnh hưởng đến tổng hợp Collagen – thành phần quan trọng của mô liên kết ở phổi.

BSCK1 Nguyễn Quang Anh Tuấn - T3G

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432