Bệnh viện Đa khoa KVMNPB Quảng Nam phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Chương trình Tập huấn “ Quản lý Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản tại tuyến cơ sở”
Chiều ngày 16/11/2023, Bệnh viện Đa khoa KVMNPB Quảng Nam phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Chương trình Tập huấn “ Quản lý Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản tại tuyến cơ sở”
Tham dự chương trình
có sự tham gia của Ths.BSCK2 Nguyễn Đình Hoàng – PGĐ Bệnh viện Đa khoa KVMNPB
Quảng Nam; Ths.Bs Lê Thị Thu Trang – Bệnh viện Bạch Mai cùng với quý đồng
nghiệp là cán bộ y tế từ các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn
tỉnh.
Tại chương trình,
Ths.BSCK2 Nguyễn Đình Hoàng – PGĐ Bệnh viện Đa khoa KVMNPB Quảng Nam gửi lời
cảm ơn tới Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp cùng bệnh viện để tổ chức chương
trình tập huấn cho tuyến cơ sở. Đây là một trong những chương trình hết sức bổ
ích và thiết thực.
Cũng trong chương
trình, Ths.Bs Lê Thị Thu Trang – Bệnh viện Bạch Mai đã lên chia sẻ chủ đề “
Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại tuyến cơ sở” cho quý
đồng nghiệp được nắm bắt thêm thông tin.
Bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính (COPD) và hen phế quản là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam và trên thế
giới. Đó là tình trạng viêm mãn tính đường thở do tiếp xúc với các yếu tố độc
hại từ môi trường. Tham dự chương trình tập huấn, quý đồng nghiệp được bổ sung
các kiến thức về chẩn đoán và điều trị COPD như các triệu chứng lâm sàng của
đợt cấp COPD, hậu quả của đợt cấp, các xét nghiệm cần làm, cách chẩn đoán xác
định đợt cấp COPD, cách điều trị COPD; cách nhận biết cơn hen phế quản, chẩn
đoán hen, cách dùng thuốc cắt cơn đường hít, cách điều trị hen phế quản nặng…
Chương trình tập huấn
đã giúp quý đồng nghiệp trang bị thêm nhiều kiến thức chuyên sâu qua đó củng cố
và nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh Phổi tắc nghẽn mãn
tính và Hen phế quản.
Ở Việt Nam, theo tỷ lệ
mắc bệnh tương đối cao, trung bình 5% dân số bị hen và 1,3 triệu người bệnh
COPD đang phải điều trị hằng năm. Hầu hết bệnh nhân phát hiện muộn khi đã nặng,
hoặc đến viện khám vì lên cơn cấp. Người bệnh sau ra viện không được theo dõi,
điều trị duy trì, đến khi có đợt cấp tiếp theo lại nhập viện. Ngoài ra, còn có
tình trạng phụ thuộc quá mức vào liệu pháp cắt cơn (bình xịt giãn phế quản tác
dụng ngắn); tỷ lệ sử dụng thuốc hít dự phòng còn thấp.
Chi phí điều trị trong
một lần đợt cấp hen, nhẹ thì khoảng một triệu đồng, nặng lên đến vài chục
triệu, chưa kể các chi phí khác. Trường hợp bỏ điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính
dẫn đến biến chứng, chi phí điều trị có thể tăng gấp 13 lần. Đây là gánh nặng
rất lớn cho ngành y tế Việt Nam.
Nguyên nhân chính gây
hen và COPD là hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc, ô nhiễm môi trường, nhiễm
trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ, bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc
với khí hóa chất. Do đó, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát là bỏ thuốc lá, tránh
tiếp xúc không khí ô nhiễm, những chất kích thích, hóa chất. Khám sức khỏe
thường xuyên. Khi có các triệu chứng như ho kéo dài, bị nhiễm trùng đường hô
hấp tái phát nhiều lần, khó thở khi gắng sức, thở khò khè... cần đến bệnh viện
để được chẩn đoán sớm và điều trị./.
Một số hình ảnh về Chương trình Tập huấn:
BSCK1 Nguyễn Quang Anh
Tuấn – Tổ trưởng T3G