CÁC BIẾN CHỨNG SAU ĐẶT STENT MẠCH VÀNH MÀ NGƯỜI BỆNH CẦN BIẾT
CÁC BIẾN CHỨNG SAU ĐẶT STENT MẠCH VÀNH
MÀ NGƯỜI BỆNH CẦN BIẾT
Đặt stent
mạch vành là một kỹ thuật can thiệp qua da để đưa một bóng nhỏ qua động mạch
đùi hoặc ở cánh tay đến vị trí tắc hẹp rồi nong và đặt stent (giá đỡ) để mở
rộng lòng mạch và giúp máu lưu thông. Thời gian thực hiện thủ thuật này chỉ
trong khoảng 1 giờ và người bệnh được xuất viện sau 1 - 3 ngày. Tỷ lệ tai biến
xảy ra trong quá trình làm thủ thuật là rất thấp. Biến cố y khoa trong quá
trình đặt stent rất thấp như: chảy máu tại vị trí chọc mạch để mở đường vào,
hoặc dị ứng thuốc cản quang (mức độ nặng nhẹ khác nhau), còn trường hợp nặng
như sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng thì rất hiếm. Ngoài ra có thể có
một số nguy cơ khác như thủng mạch vành, rối loạn nhịp và đột quỵ rất hiếm gặp,
nếu có gặp thì các bác sĩ có thể hoàn toàn xử trí được. Trước khi điều trị bằng
phương pháp này, các bác sĩ đã phải thăm khám cẩn thận, khai thác tất cả tiền
sử bệnh tật, đồng thời tiến hành các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo hạn chế
tối đa các biến chứng xảy ra.
Như vậy, sự
nguy hiểm của đặt stent mạch vành tại thời điểm ở bệnh viện là không đáng lo.
Điều đáng lo ngại nhất lại bắt đầu từ sau khi xuất viện. Bởi đặt stent không có
nghĩa là bệnh khỏi hoàn toàn, để chống lại sự tái tắc hẹp, người bệnh cần sử
dụng nhiều loại thuốc điều trị nên có thể đưa đến các rủi ro như: từ thuốc
kháng ngưng tập tiểu cầu và một phần đến từ chính phản ứng của cơ thể đối với
loại stent gây tái tắc hẹp trở lại.
Các biến chứng sau đặt stent mạch vành
Huyết khối, xuất huyết và tăng sinh
mô sẹo là những biến chứng thường gặp sau đặt stent mạch vành. Đây là vấn đề lo
ngại của cả thầy thuốc và bệnh nhân, vì những biến chứng này làm tăng nguy cơ
tái tắc hẹp hoặc làm tăng thêm rủi
ro cho người bệnh. Sau đây là những biến chứng thường gặp, người bệnh cần hiểu
về chúng để biết cách khắc phục.
1.
Huyết
khối (cục máu đông) trong lòng stent
Sau đặt stent làm tăng nguy cơ hình
thành huyết khối tại vị trí đặt stent
Cục máu đông có thể hình thành trong các giá đỡ động mạch (stent) sau khi làm
thủ thuật và gây ra cơn đau thắt ngực, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim cấp. Điều quan trọng là người bệnh cần sử dụng thuốc chống
ngưng tập tiểu cầu kép từ vài tháng đến trên một năm (tùy thuộc vào từng loại
stent). Đối với stent thường, thời gian dùng ngắn hơn, đối với stent phủ thuốc
thời gian dùng dài hơn. Vì loại phủ thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển
của mô sẹo, nhưng nó có thể gây ra phản ứng viêm và tăng nguy cơ huyết khối, kể
cả khi vẫn dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu.
Nguy cơ huyết khối trong stent xảy ra
cao nhất trong vài tuần đầu hoặc vài tháng sau can thiệp. Trong đó huyết khối
sớm trong 30 ngày đầu tiên là nguy hiểm nhất. Nó có thể không có nguyên nhân,
số còn lại có thể là do Stent không nở hết hoặc đặt sai vị trí. Qua một tháng,
nếu xuất hiện huyết khối được gọi là huyết khối muộn. Sau 12 tháng, ít khả năng
hình thành huyết khối hoặc nếu có cũng không nguy hiểm bằng huyết khối sớm. Và
rất may mắn là sự ra đời của kháng ngưng tập tiểu cầu kép đã giảm đáng kể nguy
cơ này, điều quan trọng là người bệnh cần dùng đúng thuốc, đủ thời gian theo
quy định.
2.
Xuất
huyết do dùng thuốc chống đông
Rủi ro khi dùng thuốc
chống ngưng tập tiểu cầu ở người bệnh sau
đặt stent mạch vành chính là tình trạng xuất huyết. Biến cố này gặp khá thường
xuyên, với các biểu hiện như các vết bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, xuất
huyết dạ dày. Có những trường hợp xuất huyết nặng, có thể phải truyền máu hoặc
phẫu thuật. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh tự ý cắt giảm hay ngưng thuốc
chống ngưng tập tiểu cầu. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần nhận biết sớm
các dấu hiệu xuất huyết để thông báo với bác sĩ điều trị kịp thời để có hướng
xử lý phù hợp.
3.
Tái
tắc hẹp vì sự tăng sinh mô sẹo
Sự tăng sinh quá mức của lớp nội mạc
mạch máu (lớp lót trong lòng mạch) sẽ gây ra mô sẹo và làm tăng nguy cơ tái tắc
hẹp sau đặt stent mạch vành. Quá trình nong bóng đặt stent tạo ra tổn thương
trong lòng mạch máu cộng với sự tồn tại của stent tại vị trí tắc hẹp cũng gây
chèn ép và một lần nữa tạo ra chấn thương thành mạch. Tái tắc hẹp có thể là hậu
quả của xơ vữa động mạch tiếp tục phát triển sau đặt stent.
Dấu
hiệu cảnh báo tái nhồi máu cơ tim cấp do huyết khối sau đặt stent
Nhận biết sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim
do huyết khối là cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro do biến chứng này. Do vậy,
bản thân người bệnh hoặc người chăm sóc cần phải nắm rõ những dấu hiệu cảnh báo
của nhồi máu cơ tim để kịp thời thông báo với bác sĩ nếu đang nằm viện) hoặc
đưa đến bệnh viện nhanh nhất.
- Đột nhiên mệt mỏi bất thường, cảm
giác ngộp thở, thiếu không khí để thở, cảm giác như cái chết đang đến gần,
khiến người bệnh hoảng hốt tột độ.
- Đau tức ngực nhiều cơn và kéo dài,
mặc dù đã dùng thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm. Cơn đau thắt ngực ngày
càng dữ dội kèm theo khó thở cấp, vã mồ hôi lạnh bất thường vùng đầu cổ. Cơn
đau ngực lan dần sang phần trên của cơ thể như lên cổ, ức, xương hàm, cánh tay.
- Cảm giác buồn nôn, nôn, đầy bụng,
khó tiêu, và buồn đi cầu cũng thường gặp khi cơ nhồi máu cơ tim cấp đến gần
Phòng
tránh biến chứng sau đặt stent
Để ngăn ngừa tái tắc hẹp và giảm nguy
cơ biến chứng sau đặt stent, không còn cách nào khác là người bệnh cần thực
hiện tốt các hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, kiểm soát chế độ ăn
và tập thể dục đúng cách.
- Sử dụng thuốc điều trị đầy đủ theo
chỉ định: điều này rất quan trọng để đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ huyết khối cũng
như giảm thiểu nguy cơ xuất huyết.
- Tái khám đúng ngày theo lịch hẹn
của bác sĩ hoặc sớm hơn, ngay khi có phát sinh những dấu hiệu bất thường nghi
ngờ xuất huyết hoặc tái tắc hẹp mạch vành.
- Thay đổi lối sống: việc này không
dễ, nhưng người bệnh cần phải điều chỉnh càng sớm càng tốt vì nó mang lại nhiều
lợi ích trong điều trị. Thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực như bỏ
thuốc lá, hạn chế rượu bia, chất kích thích, thể dục thường xuyên và quản lý
stress, được coi là phương pháp điều trị không dùng thuốc, có thể nói nó rất
quan trọng để làm tăng hiệu quả điều trị. Vì thói quen, lối sống tiêu cực chính
là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh mạch vành.
- Tập thể dục thường xuyên được xem
là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục sức khỏe của người bệnh sau đặt
stent mạch vành. Tập thể dục giúp cải thiện sự lưu thông máu trong lòng mạch,
tăng lưu lượng máu và góp phần phát triển tuần hoàn bàng hệ giúp nuôi tim khi
mạch vành bị tắc hẹp. Có nhiều lựa chọn cho chế độ tập luyện của người bệnh
như: đi bộ, tập yoga, đạp xe, bơi lội… tùy theo khả năng và sức khỏe của mỗi
người. Để đạt hiệu quả tốt, người bệnh nên tập luyện thường xuyên, ít nhất 30
phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần.
Lưu ý: Trong quá trình tập luyện, nếu có các dấu hiệu như: khó thở, tức ngực,
chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn… cần dừng ngay mọi hoạt động và thông
báo cho bác sĩ
BS Võ Văn Thắng
Khoa Nội Tim mạch