CÁC KHỐI U LÀNH TÍNH DÂY THANH QUẢN

Thứ tư Ngày 01 Tháng 02 2023 01:51:08 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

 

Các khối u lành tính dây thanh thường gặp và chiếm tỷ lệ khá cao ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Tại Vương quốc Anh, khoảng 50.000 dân số mỗi năm được nhận vào Khoa Tai mũi họng, Phẫu thuật Đầu và Cổ do các vấn đề về giọng nói.

Theo nghiên cứu của Trần Việt Hồng (2010) khảo sát 415 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có bệnh lý ở dây thanh gây rối loạn giọng nói có chỉ định phẫu thuật thì chiếm 85,8% thuộc nhóm các khối u lành tính dây thanh, 12% thuộc nhóm hở thanh môn, chỉ khoảng 2,2% thuộc nhóm ung thư dây thanh, trong đó 100% các bệnh nhân đều đến khám vì khàn tiếng.

Từ đó cho thấy các tổn thương chỉ này mang tính chất lành tính, nhưng làm ảnh hưởng nhiều tới giọng nói, chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc, đặc biệt với những người phải sử dụng giọng nhiều như ca sĩ, phát thanh viên, giáo viên, …

1. Sơ lược giải phẫu dây thanh

 

Hình 1. Cấu trúc dây thanh

-  Dây thanh hay còn gọi là nếp thanh âm, dây thanh âm thật, thanh đai hoặc thanh đới, gồm hai nếp ở hai bên, trắng như ngọc trai, căng từ góc sụn giáp ở phía trước tới mỏm thanh âm của sụn phễu. Ở phía sau dây thanh là bộ phận di động, có thể rung động, khép và mở để tham gia vào quá trình phát âm.

-  Kích thước: trẻ em: 6 – 8 mm. Người lớn: nữ: 12,5 – 17 mm, nam: 17 – 23 mm.

-  Cấu trúc dây thanh gồm 5 lớp: lớp biểu mô niêm mạc, lớp đệm (3 lớp) và lớp cơ (sợi của cơ giáp phễu và dây thanh). Lớp trên cùng của lớp bao gồm các sợi collagen và sợi elastin lỏng lẻo, tạo ra một khoảng trống nhỏ (khoảng Reinke) kéo dài dọc theo chiều dài của bờ tự do dây chằng thanh âm và một ít trên mặt trên cùng của dây thanh, dịch phù nề dễ dàng tích tụ tại đây. Khoảng Reinke đóng vai trò quan trọng trong quá trình rung động tạo ra âm thanh của dây thanh.

-       Luồng không khí đi qua khe thanh môn tạo ra sự rung sóng niêm mạc, áp lực không khí hạ thanh môn tạo ra cường độ của âm thanh, dây thần kinh chỉ huy các cơ làm thay đổi tần số, âm sắc, ... của tiếng nói. Ngoài ra, âm thanh phát ra từ thanh quản sẽ cộng hưởng với các bộ phận họng, mũi, xoang, miệng tạo những âm sắc đặc hiệu cho từng cá nhân.

2. Các khối u lành tính ở dây thanh

2.1. POLYP DÂY THANH

-       Là một trong những loại u lành tính hay gặp nhất ở dây thanh, gồm những polyp thật sự do phù nề niêm mạc và polyp – u do quá sản của các tổ chức biểu mô hay tổ chức liên kết. Bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 30 – 50 tuổi.

-       Nguyên nhân thường được đề cập tới như : lạm dụng tiếng nói, nói nhiều, nói quá âm vực; các viêm nhiễm vùng họng, thanh quản, viêm xoang sau; hoặc nói thét nhiều khi dây thanh đang viêm. Ngoài ra còn một số yếu tố thuận lợi như: rượu, thuốc lá, cơ địa dị ứng.

 

Hình 2. Polyp dây thanh

-       Triệu chứng:

+ Khàn tiếng, không nói to và lâu được. Nói mệt, nói hụt hơi.

+ Thông thường, polyp dây thanh xuất hiện ở một bên, ở vị trí 2/3 trước của dây thanh, là những khối u cứng hoặc mềm, màu hồng nhạt, to bằng hạt gạo hoặc hạt ngô, mọc ở thanh đai hoặc băng thanh thất, có cuống hoặc không có cuống.

 

2.2. HẠT XƠ DÂY THANH

-       Hạt xơ dây thanh (hạt thanh đai) gồm một nhân xơ được bao bọc bởi biểu mô quá sản, hay có tên gọi khác là viêm thanh quản hòn hay viêm thanh quản cục, một thể của viêm thanh quản quá phát. Bệnh có thể gặp ở người lớn hoặc trẻ con, những người phải sử dụng giọng nói nhiều như một công cụ làm việc như giáo viên, ca sĩ, buôn bán, …

-       Việc lạm dụng giọng tần số cao, như cố hát cao không đúng với âm vực của mình hoặc nói nhiều (hoặc ca hát) trong khi thanh quản đang bị viêm là nguyên nhân chính dẫn đến hình thành hạt xơ dây thanh.

 

Hình 3. Hạt xơ dây thanh

-       Triệu chứng:

+ Khàn giọng khi nói nhiều và không hát giọng cao được, về sau khàn liên tục, nói mau mệt.

+ Vị trí hay gặp là ở chỗ nối 1/3 trước và 1/3 giữa của bờ tự do dây thanh, hình hạt màu trắng, nhọn như gai hoa hồng hoặc đầu tròn như hạt lúa mì, thường bị cả hai bên dây thanh và đối diện nhau.

2.3. U NANG DÂY THANH

-       U nang dây thanh là bệnh lý lành tính ở dây thanh nằm trong khoảng Reinke, ngoài cơ dây thanh và dưới lớp biểu mô. U nang dây thanh có cấu trúc dạng túi nằm trong lớp đệm của dây thanh, thường có màu vàng hoặc trắng.

-       Lạm dụng tiếng nói: nói nhiều, nói quá âm vực, … hoặc sau các viêm nhiễm vùng mũi họng như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidal, viêm xoang sau.

-       Khàn tiếng: là dấu hiệu hay gặp. Mức độ khàn tiếng phụ thuộc vào kích thước khối u và vị trí của khối u. Soi thanh quản thấy khối u màu trắng đục, kích thước 2-3 mm hoặc to hơn, vị trí thường gặp ở một bên dây thanh.

 

Hình 4. U nang dây thanh

3. Điều trị

Điều trị nội khoa kèm điều trị luyện giọng có thể áp dụng với các khối u kích thước nhỏ. Điều trị nội khoa bao gồm: làm giảm xung huyết bằng kháng sinh, chống viêm, điều trị viêm nhiễm quanh thanh quản và các vùng lân cận, chống dị ứng, điều trị trào ngược, … Bên cạnh đó là nghỉ ngơi, nghỉ hát trong hai đến ba tuần. Khi điều trị nội khoa bảo tồn không có kết quả, phải can thiệp bằng phẫu thuật lấy bỏ khối u.

Các phương pháp phẫu thuật hiện nay:

-       Phẫu thuật qua soi thanh quản gián tiếp.

-       Phẫu thuật qua soi thanh quản trực tiếp.

-       Phẫu thuật qua soi treo thanh quản.

-       Phẫu thuật soi treo thanh quản kết hợp laser.

 

        ThS.BS.Trần Minh Ân – Khoa Tai mũi họng

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432