CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE 35: CÁC MỐC KHÁM THAI ĐỊNH KỲ MẸ BẦU NÊN BIẾT
CÁC MỐC KHÁM THAI ĐỊNH
KỲ MẸ BẦU NÊN BIẾT
Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác
sĩ là một trong những việc rất quan trọng mà mẹ bầu nên tuân thủ trong suốt
thời gian mang thai. Việc khám thai thường xuyên không chỉ giúp mẹ bầu được
chăm sóc sức khỏe đúng cách mà còn mang lại nhiều lợi ích cho thai nhi.
1.
Tầm quan trọng của việc
khám thai định kỳ
Trong thời gian mang thai, bạn nên được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất
thông qua việc khám thai định kỳ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Thông qua
việc khám thai thường xuyên, bác sĩ sản khoa biết được tình trạng sức khỏe của
bạn và thai nhi, từ đó giúp hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai
định kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong của mẹ và thai nhi xuống gấp 5 lần
so với những mẹ bầu không khám thai. Ngoài ra, tỷ lệ những đứa trẻ được sinh ra
từ các mẹ bầu không khám thai có trọng lượng nhẹ hơn so với các mẹ bầu thường
xuyên khám thai.
Sau lần khám đầu tiên, bác sĩ sản khoa sẽ cho bạn lịch khám thai
cụ thể của lần kế tiếp. Thông thường, bạn sẽ được yêu cầu đi khám mỗi tháng một
lần trong 6 tháng đầu của thai kỳ. Bước qua tam cá nguyệt cuối, bạn sẽ phải đi
khám thai thường xuyên hơn. Nếu đây là lần đầu tiên bạn mang thai, trong suốt
thai kỳ, bạn sẽ có khoảng 10 – 15 lần khám thai. Nếu từng sinh con, bạn
nên khám thai ít nhất khoảng 7 lần.
2. Các mốc khám thai định kỳ
Lịch khám thai định kỳ trong tam cá nguyệt thứ nhất
2.1. Lần khám thai đầu tiên
Việc khám thai lần đầu thường diễn ra khi bạn có thai khoảng
5 – 8 tuần. Đây là mốc rất quan trọng để xác định liệu bạn thực sự có thai
hay không và xác định vị trí làm tổ của phôi thai.
Bạn biết mình có thai khi nhận thấy bị trễ kinh khoảng 1 tuần và dùng que thử thai thấy 2 vạch. Lúc này, bạn cần đi khám, bác sĩ sẽ siêu âm và cho bạn làm các chỉ định sau:
- Kiểm tra cân nặng, chiều cao để tính chỉ số BMI của cơ thể nhằm đánh giá xem bạn có bị thừa cân, béo phì hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm soát cân nặng khi mang thai nhằm hạn chế các biến chứng thai kỳ có thể xảy ra.
-Đo huyết áp để biết xem bạn có bị huyết áp cao hay không, có nguy cơ bị tiền sản giật không.
-Thử nước tiểu kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ (hCG) để biết chắc bạn đang mang thai, phôi thai đang phát triển bình thường.
-Siêu âm kiểm tra vị trí phôi thai và tuổi thai nhằm kịp thời phát hiện các bất thường như thai ngoài tử cung…
-Tính tuổi thai và ngày dự sinh của em bé dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
Thông thường, bác sĩ sẽ hẹn bạn trở lại khám sau khoảng 4 tuần.
Đôi khi lịch khám thai cho lần khám kế tiếp chỉ sau lần khám đầu tiên khoảng 1
– 2 tuần. Điều đó phụ thuộc vào sức khỏe của bạn hoặc tình trạng phát triển của
thai nhi, tuổi thai. Bạn nên đi khám đúng lịch như bác sĩ đã hẹn.
2.2. Lần khám thai thứ 2: Khoảng 8 tuần mang thai
Nếu lần khám thai đầu tiên, bạn đi khám ngay sau khi mới cấn thai,
bác sĩ siêu âm chưa kiểm tra được tim thai hoặc phôi thai có vấn đề, bác sĩ sản
khoa sẽ hẹn bạn khám thai lần thứ hai khi thai khoảng 8 tuần.
Ở lần khám thai này, bác sĩ vẫn tiến hành các thăm khám thường quy
như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, thử nước tiểu, thử máu mẹ bầu và siêu âm để
đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi.
2.3. Lần khám thai thứ 3: Tuần thai thứ 10 – 13 tuần 6 ngày
Kể từ tuần thai thứ 10, khi bạn khám thai định kỳ, ngoài các thăm khám thường quy như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, siêu âm bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm các xét nghiệm quan trọng sau:
- Trong thời gian thai được khoảng 10 – 12 tuần tuổi, tùy vào vị trí của thai nhi trong tử cung, cân nặng của mẹ bầu và ngày dự sinh, bác sĩ sẽ tiến hành đo nhịp tim của em bé bằng thiết bị cầm tay Doppler. Đây có thể là lần đầu tiên bạn được nghe nhịp đập của bé yêu.
- Trong khoảng thời gian từ tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày: Bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm Double test và siêu âm kiểm tra dị dạng chi, thoát vị cơ hoành, đặc biệt là siêu âm đo độ mờ da gáy nhằm đánh giá thai nhi có nguy cơ bị Down hay không.
Lịch khám thai định kỳ trong tam cá nguyệt thứ hai (từ tuần 14 –
27 tuần 6 ngày)
Thông thường
trong tam cá nguyệt thứ hai, mỗi tháng bạn sẽ phải đi khám một lần theo lịch
hẹn của bác sĩ. Song nếu tình trạng sức khỏe của bạn hoặc thai kỳ có vấn đề,
khoảng cách thời gian giữa các lần khám thai của bạn sẽ ngắn hơn. Ở tam cá
nguyệt thứ hai, bác sĩ vẫn kê toa cho bạn dùng các viên uống bổ sung canxi, sắt
hay các khoáng chất tốt cho phụ nữ mang thai và thai nhi.
2.4. Lần khám thai thứ 4: Khi thai từ 14 – 16 tuần
Ở lần khám thai này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn tiến hành kiểm tra:
- Cân nặng của bạn
- Đo huyết áp
- Khám thai: Kiểm tra nhịp đập của tim thai
- Thử nước tiểu
- Siêu âm để theo dõi sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi
Cuối buổi khám,
bác sĩ sẽ kê toa cho bạn dùng các viên uống bổ sung vi chất tùy thuộc vào sức
khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi.
2.5. Lần khám thai thứ 5: Khi thai được 16 – 20 tuần
Ở lần khám này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn tiến hành các bước thăm khám sau:
- Kiểm tra cân nặng
- Đo huyết áp
- Khám thai: Kiểm tra nhịp đập tim của thai và đo tử cung tính tuổi thai (bác sĩ sẽ tiến hành đo khoảng cách từ đỉnh tử cung đến xương mu của bạn).
- Thử nước tiểu: Bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra lượng đường, nồng độ protein để tầm soát dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ và nguy cơ tiền sản giật.
- Siêu âm để quan sát sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối
- Xét nghiệm Triple test: Đây là loại xét nghiệm máu được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 15 – 20 của thai kỳ. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các vấn đề sức khỏe của thai nhi như các rối loạn về gen, dị tật ống thần kinh.
Dựa vào việc thăm
khám và kết quả của các xét nghiệm, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn dùng các viên uống
bổ sung vi chất phù hợp.
2.6. Lần khám thai thứ 6: Tuần thai thứ 20 – 24 tuần
Bạn sẽ phải tiến hành:
- Kiểm tra cân nặng
- Đo huyết áp
- Khám thai: Đo khoảng cách từ đỉnh tử cung xuống xương mu để tính tuổi thai, kiểm tra tim thai
- Thử nước tiểu
- Siêu âm để quan sát sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối.
Thông thường ở tuần thứ 20 của thai kỳ, bạn sẽ được chỉ định làm
siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân
tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau
thai, lượng nước ối.
Sau khi xem kết quả siêu âm nếu nhận thấy thai nhi có bất thường
nghiêm trọng về thể chất, bác sĩ sẽ cho bạn biết để cân nhắc có nên đình chỉ
thai nghén hay không. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu, việc đình chỉ thai nghén
nên được tiến hành trước 24 tuần mang thai.
2.7. Lần khám hai thứ 7: Tuần thai thứ 24 – 27 tuần 6 ngày
Bạn sẽ phải tiến hành:
- Kiểm tra cân nặng
- Đo huyết áp
- Khám thai: Đo khoảng cách từ đỉnh tử cung xuống xương mu để theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra tim thai
- Thử nước tiểu
- Siêu âm để quan sát sự phát triển của thai và lượng nước ối.
- Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: Nhằm kịp thời can thiệp bằng chế độ ăn và tập luyện vận động hoặc hỗ trợ thêm bằng insulin.
Lịch khám thai định kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba (từ tuần 28 cho
đến khi sinh)
Trong khoảng từ tuần thứ 28 đến 36 của thai kỳ, bạn sẽ đi khám
thai định kỳ hai tuần/lần. Kể từ sau tuần 36, bạn sẽ đi khám mỗi tuần cho đến
khi sinh. Hãy cho bác sĩ biết bất cứ vấn đề sức khỏe nào mà bạn gặp như cảm giác
mệt mỏi, buồn bã, co thắt, sưng, đau đầu hay phù nề hoặc có dấu hiệu xuất huyết
tử cung…
Bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra nhịp tim của bé và đo kích thước tử
cung của bạn để ước tính kích thước của thai nhi, so sánh với tuổi thai nhằm
đánh giá tốc độ tăng trưởng của bé. Nếu nhận thấy có bất thường, bác sĩ sẽ
đề nghị bạn siêu âm 4D để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, mức nước ối
trong tử cung và vị trí của bé (ngôi mông, ngôi ngang hay ngôi thuận).
Trong tam cá nguyệt thứ ba, bác sĩ vẫn kê toa cho bạn dùng vi chất
dinh dưỡng cần thiết cho thai phụ.
2.8. Lần khám thai thứ 8 – 10: Từ tuần thai 28 – 36 tuần
Ngoài các thăm khám thường quy như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, khám thai, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến các xét nghiệm như:
- Máu
- Nước tiểu
- Siêu âm: Nếu kết quả siêu âm cho thấy ngôi thai là ngôi mông, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn xoay ngôi thai theo cách tự nhiên. Đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra cổ tử cung để xem bạn có dấu hiệu sắp sinh hay chưa.
- Tiêm phòng uốn ván cuống rốn: Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ được tiêm phòng uốn ván cuống rốn sơ sinh (2 mũi cách nhau 1 tháng) để phòng ngừa bệnh uốn ván cho bé.
Từ tuần thứ 30 trở đi, bạn lưu ý một số điều sau:
- Đếm cử động thai: Bình thường là từ 4 lần/giờ
Tái khám ngay khi thấy:
-
Đau bụng
-
Ra huyết, ra nước âm đạo
-
Thai máy ít, máy yếu
-
Có dấu hiệu bất thường.
2.9. Lần khám thai thứ 11 – 14: Thai từ 36 – 40 tuần
Thông thường, khi mang thai đến giai đoạn này, bạn sẽ phải đi khám
thai mỗi tuần. Ở mỗi lần khám, bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám thường quy,
kiểm tra cổ tử cung kết hợp với siêu âm để theo dõi thai kỳ của bạn. Ngoài ra,
bạn có thể được đề nghị làm các xét nghiệm khung chậu để đánh giá xem bạn có
khả năng sinh thường hay không .
Nếu nhận thấy bạn có dấu hiệu sa bụng (bụng bầu tụt xuống), bác sĩ
sẽ tư vấn cho bạn cách nhận biết các dấu hiệu sắp sinh để kịp thời nhập viện khi có dấu hiệu
chuyển dạ sớm.
2.10. Lần khám thai thứ 15: Tuần thứ 40 – 42
Nếu trong giai đoạn này, bạn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ
thăm khám kết hợp với siêu âm kiểm tra nước ối và tình trạng thai nhi. Việc này
nhằm giúp bác sĩ cân nhắc liệu có nên can thiệp để bạn sinh con hay chờ đợi.
Khoa Sản bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng nam là
nơi tin cậy để mẹ Bầu gửi trọn niềm tin. Hãy đến với chúng tôi để nhận được sự
tư vấn, thăm khám tốt nhất.
CNĐD. Nguyễn Thị Ly- Tổ T3G
Nguồn: https://benhviendakhoasapa.com/cac-moc-kham-thai-dinh-ky-ma-me-bau-khong-the-bo-qua