TRẺ HÓA ĐỘ TUỔI NHỒI MÁU CƠ TIM

Thứ bảy Ngày 23 Tháng 04 2022 09:30:09 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

TRẺ HÓA ĐỘ TUỔI NHỒI MÁU CƠ TIM

Vừa qua, đơn vị can thiệp mạch (DSA) và Khoa hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã kịp thời cấp cứu, hồi sức và can thiệp đặt stent thành công cho 01 bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim, biến chứng choáng tim nặng.

Lúc vào viện, bệnh nhân có cơn đau thắt ngực điển hình, khó thở, ECG có ST chênh lên ở 3 chuyển đạo liên tiếp (DII, DIII, aVF), được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành sau dưới với biến chứng nhịp chậm xoang 40 lần/phút, huyết áp tụt kẹt 60/40mmHg, choáng tim. Bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy, truyền dịch, dùng thuốc vận mạch để ổn định hô hấp, tuần hoàn; nâng huyết áp cho bệnh nhân.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển qua đơn vị can thiệp mạch để đặt máy tạo nhịp tạm thời. Sau khi nhịp tim ổn định, bệnh nhân được chụp và can thiệp nong mạch vành, đặt stent vào vị trí hẹp của động mạch này. Sau can thiệp vài ngày, lâm sàng ổn định, bệnh nhân hết đau ngực, không còn khó thở, ECG không còn ST chênh lên, bệnh nhân được ra viện với tình trạng bệnh ổn định.


Hình ảnh điện tâm đồ (ECG) nhồi máu cơ tim cấp

(ST chênh lên ở chuyển đạo DII, DIII, aVF).

Đây là ca bệnh đặc biệt nhất từ trước đến nay trong số những bệnh nhân nhồi máu cơ tim từng được can thiệp tại bệnh viện (Bệnh nhân trẻ nhất, nam, 32 tuổi) với tiền sử  hút thuốc lá 1 gói/ngày. Nhồi máu cơ tim xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng trẻ  hoá do lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá nhiều và chủ quan không chú ý đến các yếu tố nguy cơ khác.



Quy trình can thiệp mạch vành cho bệnh nhân


Sau đây là một số kiến thức về nhồi máu cơ tim để người dân có thể hiểu rõ hơn về bệnh lý này, qua đó có thể chủ động phòng ngừa và kịp thời cứu chữa nếu mắc bệnh:


1.     Định nghĩa:

 

Hình ảnh giải phẫu động mạch vành cung cấp máu nuôi tim


Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim (động mạch vành). Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim ấy sẽ hoại tử (chết tế bào cơ tim) gây triệu chứng đau ngực dữ dội. 

Thuật ngữ nhồi máu cơ tim cấp nên được sử dụng khi có tổn thương cơ tim cấp với bằng chứng lâm sàng của thiếu máu cơ tim cấp và có sự tăng và/hoặc giảm của giá trị tropoin (cTn) với ít nhất một giá trị cao hơn bách phân vị thứ 99 (99th percentile URL) và ít nhất một trong các điểm sau đây: các triệu chứng của thiếu máu cơ tim; thay đổi mới trong ECG do thiếu máu cơ tim; sự hình thành sóng Q bệnh lý; bằng chứng hình ảnh của mất đi cơ tim còn sóng mới xuất hiện hoặc bất thường vận động vùng mới xuất hiện phù hợp với nguyên nhân thiếu máu cơ tim; xác định được huyết khối trong mạch vành bởi chụp mạch vành hoặc tử thiết.

2.    Nguy cơ:

Tiền sử nhồi máu cơ tim: Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.

Tuổi và giới tính: tuổi cao là yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành. Nguy cơ bệnh mạch vành do xơ vữa tăng theo tuổi, nguy cơ tử vong là 1,5/1.000 người ở độ tuổi 50. Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần nữ giới ở độ tuổi 50, càng về sau thì tỷ lệ này càng nhỏ lại. Đến 75 tuổi thì tần suất mắc bệnh ở nam và nữ như nhau.

Tiền sử gia đình: Gia đình có người mắc bệnh sớm trước 55 tuổi ở nam và 65 tuổi ở nữ. Bệnh mạch vành có thể di truyền được, tỷ lệ tim mạch ở người có tiền sử gia đình cao gấp 3-4 lần người không có tiền sử.

Hút thuốc lá: Thuốc lá liên quan đến cái chết của khoảng 5 triệu người (chiếm 9%),  trong đó xấp xỉ 1,6 triệu người tử vong có liên quan tới bệnh tim mạch. So với những người không hút thuốc lá thì người hút thuốc lá có nguy cơ tiến đến bệnh mạch vành do xơ vữa tới 60%, tăng 50% tử vong bệnh tim mạch. Hút thuốc lá gây gia tăng nồng độ carbon monoxide trong máu, dẫn tới phá hủy tế bào nội mô mạch vành, gia tăng kết tập tiểu cầu, tăng nguy cơ hình thành huyết khối tắc nghẽn. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ độc lập với các yếu tố khác.

Rối loạn lipid máu: Nồng độ Cholesterol cao là nguyên nhân của 56% bệnh thiếu máu cơ tim, gây nên tử vong của khoảng 4,4 triệu người mỗi năm. Tăng LDL, tăng cholesterol, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh mạch vành, người có nồng độ cholesterol >200 mg% cao gấp 6 lần người có nồng độ không đạt mức đó. Giảm HDL gây gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Đái tháo đường: Biến chứng tim mạch là biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường, gây gia tăng 50% nguy cơ bệnh mạch vành do xơ vữa ở nam, 99% ở nữ. Nguy cơ chết do bệnh mạch vành ở bệnh nhân có đái tháo đường không có tiền sử nhồi máu cơ tim tương đương với bệnh nhân từng bị nhồi máu cơ tim không có đái tháo đường. Bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch vành là nguyên nhân khiến 65% tử vong của bệnh đái tháo đường.

Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý tim mạch, là nguyên nhân khiến cho 7 triệu người chết mỗi năm trên toàn thế giới, 49% các trường hợp bệnh mạch vành được quy cho là do tăng huyết áp. Huyết áp càng tăng thì nguy cơ bệnh mạch vành càng cao.

Ít vận động thể lực: Vận động thể lực vừa ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần, đối với vận động mạnh thì ít nhất 20 phút mỗi ngày, ít nhất 3 ngày một tuần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Người trưởng thành vận động thể lực thường xuyên thì khả năng mắc bệnh mạch vành giảm.

Béo phì và thừa cân: Béo phì là một trong yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành, nguy cơ mắc bệnh xơ vữa mạch vành càng cao nếu béo phì chủ yếu ở phần bụng. Béo phì thường đi kèm với nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid, rối loạn dung nạp glucose, dễ mắc bệnh đái tháo đường,…

Stress: Thái độ thù địch, trầm cảm, cô lập về mặt xã hội hay trạng thái căng thẳng kéo dài có giá trị dự báo bệnh động mạch vành. Những sang chấn tinh thần là yếu tố khởi phát nhồi máu cơ tim.

Sử dụng chất kích thích (cocaine, amphetamine,…) làm co thắt động mạch vành, gắng sức quá mức, sau chấn thương, phẫu thuật…

3.     Triệu chứng:

Về mặt triệu chứng, đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim. Cơn đau xuất hiện đột ngột và kéo dài, kể cả khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân có cảm giác đau như bị bóp nghẹt, đè nặng sau xương ức, đau lan ra sau lưng, lên vai trái và mặt trong tay trái; một số trường hợp có thể đau lan lên cổ, cằm hoặc đau vùng thượng vị. Cơn đau có thể kéo dài 5-15 phút hoặc lâu hơn.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng sau: mệt mỏi, khó thở, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đầy bụng, ợ hơi, khó chịu vùng ngực, đau lưng và vai, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, đau đầu, …

Có thể gặp một số biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim, choáng tim, tụt huyết áp, đột tử,…

4.     Cách phòng ngừa bệnh lý nhồi máu cơ tim và bệnh mạch:

     - Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Không bao giờ là quá trẻ để bắt đầu nghĩ đến sức khỏe tim mạch.

-         Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nếu thừa cân thì nên giảm cân sớm.

-         Không hút thuốc lá và không uống rượu bia.

-         Ăn nhiều thực phẩm xanh, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ.

-         Tập thể dục hằng ngày hoặc tối thiểu 5 ngày/tuần/

-         Kiểm soát tốt bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,…

5.     Điều trị:

Về điều trị, nguyên tắc chính là đưa oxy đến phần cơ tim đang bị hoại tử vì tắc nghẽn mạch vành. Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Sau khi được hỗ trợ oxy, bệnh nhân có thể được điều trị ngoại khoa (đưa ống thông đi vào động mạch vành trong tim, làm nong mạch vành, phá vỡ cục máu đông và mảng xơ vữa, và đặt stent; mổ bắc cầu động mạch vành), hoặc điều trị nội khoa (thuốc làm tan cục máu đông).

 

                 Đối với người lớn tuổi, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ trong nhiều năm liền làm cho cơ tim của họ có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu, họ thường nhận biết các nguy cơ đối với sức khỏe nên ít chủ quan hơn. Ở người trẻ, cơ tim chưa từng trải qua sự thiếu máu dần dần như người lớn tuổi nên thường không kịp thích nghi và bị hoại tử nhanh chóng. Nhưng người trẻ thường không nghĩ mình có thể mắc phải căn bệnh này nên chủ quan, không nhận biết được các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, bỏ lỡ "thời gian vàng".

    Trên đây là một số kiến thức về bệnh lý nhồi máu cơ tim. Người trẻ hoàn toàn không nên chủ quan vì có thể bị nhồi máu cơ tim nếu có những yếu tố nguy cơ trên. Trẻ hóa độ tuổi nhồi máu cơ tim thường do thói quen hút thuốc lá, lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, béo phì, stress trong công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Cần áp dụng các bện pháp phòng ngừa đã được gợi ý ở trên để hạn chế tối đa nguy cơ nhồi máu cơ tim ở cả người trẻ tuối và người lớn tuổi.

Ths. Bs. Lê Minh Dũng - Khoa HSTC-CĐ

 

Tài liệu tham khảo:

Thygesen, K., Alpert, J. S., et al (2019). Fourth universal definition of myocardial infarction (2018). European heart journal40(3), 237-269.

 


Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432