CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 23: TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Thứ ba Ngày 31 Tháng 05 2022 19:57:40 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

TẦM SOÁT UNG THU CỔ TỬ CUNG

 

1.     Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm tìm những tế bào bị biến đổi bất thường ở cổ tử cung, những tế bào bất thường này có thể phát triển thành ung thư.

Cổ tử cung là phần nối liền với tử cung, kênh cổ tử cung thông với buồng tử cung. Cổ tử cung nằm ở đỉnh trong cùng của âm đạo.

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung gồm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear) và xét nghiệm vi-rút HPV (thực hiện ở một số phụ nữ).

 

2.     Ung thư cổ tử cung hình thành như thế nào?

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường và phát triển không kiểm soát theo thời gian. Những tế bào ung thư có xu hướng xâm lấn sâu vào cổ tử cung. Ở những trường hợp muộn, tế bào ung thư có thể lan tràn đến các cơ quan khác của cơ thể.

 

3.     Nhiễm vi-rút HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Vi-rút HPV nhiễm vào trong tế bào cổ tử cung và gây ra những biến đổi bất thường của tế bào.

Có nhiều chủng vi-rút HPV, trong đó có một số chủng được gọi là HPV “nguy cơ cao”, là chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cũng như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và hầu họng.

HPV lây từ người sang người thông qua hoạt động tình dục. Nhiễm HPV rất thường gặp. Tất cả phụ nữ sau khi có hoạt động tình dục đều có nguy cơ nhiễm vi-rút này. Theo dữ liệu năm 2013-2014 của CDC (trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ) 45,2% dân số nam và 39,9% dân số nữ trong độ tuổi trưởng thành từ 18-59 tuổi bị nhiễm ít nhất 1 chủng vi-rút HPV.

Nhiễm HPV thường không có triệu chứng và hầu hết tự khỏi. Nhiễm trong thời gian ngắn chỉ gây nên những thay đổi nhẹ trên tế bào, chúng sẽ hồi phục lại bình thường sau khi hết nhiễm. Nhưng ở một vài phụ nữ, tình trạng nhiễm HPV không tự khỏi. Nếu bị nhiễm HPV nguy cơ cao kéo dài, tế bào sẽ biến đổi nặng hơn, tăng nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung.

 

VIRUS HPV

4.     Vì sao tầm soát ung thư cổ tử cung là rất quan trọng?

Thông thường, khi tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường sẽ mất từ 3 đến 7 năm để phát triển thành ung thư. Do đó, xét nghiệm tầm soát có thể phát hiện sớm sự biến đổi này trước khi nó trở thành ung thư. Những phụ nữ có tế bào cổ tử cung biến đổi nhẹ có thể được theo dõi cho đến khi trở về bình thường. Trường hợp biến đổi nặng sẽ được điều trị cắt bỏ vùng tổn thương. 

5.     Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm Pap smear và xét nghiệm HPV. Cả 2 xét nghiệm này đều được thực hiện trên tế bào cổ tử cung. Quá trình thực hiện khá nhanh và đơn giản. Bạn sẽ được hướng dẫn nằm lên bàn khám phụ khoa, bác sĩ bộc lộ cổ tử cung bằng cách đặt mỏ vịt vào âm đạo. Các tế bào sẽ được lấy bằng một bàn chải nhỏ, không gây đau hay bất kỳ khó chịu nào. Sau đó, các tế bào sẽ được đặt vào một dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng xét nghiệm.

- Đối với Pap test: Mẫu tế bào sẽ được quan sát dưới kính hiển vi xem có xuất hiện tế bào bất thường không.


PAP TEST


- Đối với xét nghiệm HPV: Mẫu tế bào sẽ được kiểm tra xem liệu có sự hiện diện của 14 chủng vi-rút nguy cơ cao thường gặp hay không.

 

TEST HPV

6.     Thời gian tầm soát ung thư cổ tử cung bao? Và nên thực hiện xét nghiệm nào?

Tần suất thực hiện và lựa chọn xét nghiệm tuỳ thuộc vào tuổi cũng như tiền sử bệnh lý người phụ nữ:

-         Phụ nữ 21-29 tuổi nên thực hiện Pap test mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.

-         Phụ nữ 30-65 tuổi nên thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test (còn gọi là co-testing) mỗi 5 năm (lựa chọn ưu tiên). Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn Pap test đơn thuần mỗi 3 năm.

 

7.     Khi nào tôi nên ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung?

Bạn có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi khi:

-         Không có bất thường tế bào cổ tử cung nặng hoặc ung thư cổ tử cung trước đây, và

-         Có 3 lần liên tiếp kết quả Pap test bình thường hoặc 2 lần liên tiếp kết quả co-testing bình thường trong vòng 10 năm trước đó, trong đó kết quả gần nhất được thực hiện trong vòng 5 năm.

 

8.     Nếu tôi đã cắt tử cung, tôi có cần tầm soát ung thư CTC không?

Tuỳ thuộc vào việc bạn có được cắt bỏ cổ tử cung không, lý do cắt tử cung là gì và liệu trước đó bạn có bất thường tế bào cổ tử cung nặng hoặc ung thư cổ tử cung hay không.

Mặc dù bạn đã được cắt tử cung hoàn toàn (tức là cắt bỏ cả cổ tử cung), một số tế bào CTC có thể vẫn còn hiện diện tại phần đỉnh âm đạo. Do đó, nếu bạn có tiền căn ung thư cổ tử cung hoặc bất thường tế bào cổ tử cung nặng, bạn vẫn nên thực hiện tầm soát ung thư CTC tiếp tục ít nhất 20 năm sau phẫu thuật.

 

9.     Khi nào cần tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên hơn?

Những phụ nữ có tiền sử ung thư cổ tử cung, bị nhiễm HIV, có hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc những người bị tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) trong bào thai, có thể cần tầm soát thường xuyên hơn chứ không phải tuân theo lịch trình thường qui như trên.

Phụ nữ đã chích ngừa vắc-xin HPV vẫn cần tuân thủ lịch trình tầm soát ung thư cổ tử cung thường qui.

 

10. Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường nghĩa là gì?

Rất nhiều phụ nữ có kết quả tầm soát bất thường, điều này không có nghĩa là họ bị ung thư cổ tử cung. Các tế bào ở cổ tử cung khi biến đổi bất thường có nhiều mức độ. Đa phần các biến đổi nhẹ sẽ tự hồi phục về bình thường. Nếu không hồi phục, chúng cũng mất vài năm nữa để biến đổi đến giai đoạn nặng hơn hoặc ung thư. Do đó, nếu bạn có kết quả tầm soát bất thường, tuỳ mức độ biến đổi của tế bào cổ tử cung, bạn sẽ được làm thêm xét nghiệm để khẳng định có ung thư hiện diện hay không. Trong một số trường hợp, cần thực hiện soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán chính xác. Nếu kết quả xét nghiệm này cho thấy tổn thương mức độ nặng hoặc ung thư, bạn sẽ được điều trị cắt bỏ tổn thương. Sau đó bạn vẫn cần theo dõi sau điều trị và tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung.

11. Xét nghiệm tầm soát này có chính xác không?

Cũng như các xét nghiệm khác, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung không phải luôn luôn chính xác. Thỉnh thoảng, kết quả bất thường dù tế bào bình thường, được gọi là dương tính giả. Đôi khi cũng có kết quả âm tính giả, tức là xét nghiệm không phát hiện được tế bào bất thường. Để tránh gặp phải tình trạng sai lệch này, bạn nên tránh đụng chạm, giao hợp và sử dụng thuốc đặt âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi làm xét nghiệm. Bạn cũng nên tránh làm xét nghiệm khi đang có kinh nguyệt.

Bs. Nguyễn Quang Anh Tuấn - CĐHA-TDCN


Link Tham khảo:

https://www.acog.org/womens-health/faqs/~/link.aspx?_id=C1A0ACDC3A7A4BB0A945A0939FC75B86&_z=z

- https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-dung-de-qua-muon/#:~:text=X%C3%A9t%20nghi%E1%BB%87m%20t%E1%BA%A7m%20so%C3%A1t%20ung%20th%C6%B0%20c%E1%BB%95%20t%E1%BB%AD%20cung%20bao,m%E1%BB%8F%20v%E1%BB%8Bt%20v%C3%A0o%20%C3%A2m%20%C4%91%E1%BA%A1o.

- https://www.vinmec.com/vi/ung-buou-xa-tri/thong-tin-suc-khoe/huong-dan-tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-theo-tung-do-tuoi/


 

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432