CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 29: TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI

Chủ Nhật Ngày 05 Tháng 06 2022 01:34:02 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI

Ung thư phổi (UTP) là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ(nam: nữ =3:1). Bệnh thường phát hiện khi đã tiến triển gây nhiều triệu chứng bất ổn, phẫu thuật nhiều khi chỉ có vai trò chẩn đoán, khả năng điều trị khỏi rất khó khăn.

Theo Globocan, năm 2018 toàn cầu có 18,1 triệu trường hợp ung thư mới mắc trong đó UTP là ung thư đứng hàng đầu về các trường hợp mới (2,094 triệu người) và số ca tử vong (1,5 triệu người). Tại Việt Nam, tính chung cả 2 giới, UTP có tỉ lệ mắc bệnh cao đứng hàng thứ hai ( 23.667 ca ;14,4% ), sau ung thư gan. Nếu theo giới tính, UTP đứng hàng thứ hai ở nam giới với 16.722 ca ( 18,4%) phát hiện mới. UTP ở nữ giới đứng hàng thứ ba với 6.945 ca phát hiện mới sau ung thư vú và ung thư đại trực tràng (khoảng 2,4 nam, 1 nữ), hiện nay tử vong của UTP đứng hàng thứ 2 sau ung thư gan.

Việc tầm soát UTP ở những người có nguy cơ không có triệu chứng gì, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nhằm điều trị kiệp thời, triệt để hơn.

1.     Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi

    -         Hút thuốc lá thông thường, hút thuốc lá thụ động (người tiếp xúc khói thuốc lá mà không hút thuốc).

    -         Hít khí radon, amiăng, không khí ô nhiễm, tiền căn xạ trị vào phổi (tia X).

    -         Gia đình có người bị ung thư phổi.

    -         Những người có bệnh phổi mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn, lao phổi.

 

2.     Những người nào cần tầm soát ung thư phổi? 

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) có hướng dẫn tầm soát ung thư phổi cho mọi người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn dựa trên chương trình khám sàng lọc Phổi Quốc gia. ACS khuyến nghị tầm soát ung thư phổi hàng năm với chup CT scan cho những người từ 55 đến 74 tuổi, có sức khỏe khá tốt và những người đáp ứng các điều kiện sau:

    -         Là những người đang hút thuốc hoặc những người đã bỏ thuốc trong 15 năm qua.

    -         Có tiền sử hút thuốc ít nhất 30 bao thuốc mỗi năm. (số năm hút thuốc nhân với số bao thuốc trong ngày. Ví dụ, một người hút 2 gói mỗi ngày trong 15 năm [2 x 15 = 30] có 30 gói nhiều năm hút thuốc. Một người hút 1 gói mỗi ngày trong 30 năm [1 x 30 = 30] cũng có 30 gói nhiều năm hút thuốc.)

    -         Nhận tư vấn để bỏ thuốc nếu họ đang hút thuốc.

    -         Đã được bác sĩ cho biết về những lợi ích, giới hạn và tác hại có thể có của tầm soát bằng chụp CT scan.

    -         Đã tầm soát và điều trị ung thư phổi

 

3.     Những dấu hiệu phát hiện ung thư phổi

Những dấu hiệu thường gặp: ho, đau ngực, ho máu, khó thở, suy nhược cơ thể…

    -         Ho có thể ho khan, dai dẳng, ho là triệu chứng thường gặp, hơn 70% trường hợp ung thư phổi có ho, một số có triệu chứng khác như: khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Đôi khi bệnh nhân bị khàn tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm.

    -         Những bệnh nhân có bướu ở đỉnh phổi, xâm vào lấn thành ngực và đám rối thần kinh cánh tay, bệnh nhân có biểu hiện đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da, lâu ngày gây xệ vai (hội chứng Pancoast). 

    -         Một số bệnh nhân có u đỉnh phổi xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, gây sụp mi cùng bên tổn thương (sa mí mắt), đồng tử co lại, lõm mắt và không bài tiết mồ hôi ở phía mặt cùng bên tổn thương. (hội chứng Horner)

    -         Sụt cân là một dấu hiệu thường gặp và kết hợp với các triệu chứng khác khi bệnh tiến xa, đây không phải là triệu chứng đặc hiệu ung thư phổi.

    -         Những dấu hiệu cận ung thư: gặp ở khoảng 10% bệnh nhân UTP, người bệnh có tổng trạng suy giảm do yếu tố hoại tử bướu. 

   -         Bệnh lý xương khớp phì đại do phổi có lẽ do thiếu oxy mạn tính, biểu hiện bởi hiện tượng ngón tay dùi trống. Ngón tay dùi trống gồm sự gia tăng kích thước cả bề ngang các móng của ngón tay lẫn bề mặt lồi của ngón tay nhìn nghiêng. 

   -         Một số có các hội chứng khác gồm: rối loạn đông máu, các biểu hiện của bệnh về da, thần kinh, nội tiết, thận và hệ cơ.

Các bệnh nhân UTP tiến xa thường có những triệu chứng nặng hơn:

   -         Khó thở: do khối u lớn gây chèn ép hay có biểu hiện tràn dịch, tràn khí màng phổi do ung thư xâm lấn màng phổi.

   -         Khàn tiếng.

   -         Hạch cổ.

 

4.     Ung thư phổi có thể phát hiện sớm được không?

Các bệnh nhân UTP ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Để phát hiện sớm cần phải tầm soát những người có yếu tố nguy cơ UTP chưa có triệu chứng gì. Các nhóm có nguy cơ bị UTP đã được xác định, các phương tiện tầm soát UTP cũng đã có sẵn, do vậy việc phát hiện sớm là khả thi.

5.     Làm gì để tầm soát ung thư phổi

Hiện nay, tầm soát UTP đã được thực hiện ở các nước tiên tiến. Đã có nhiều khuyến cáo tầm soát ở người có nguy cơ đồng thời cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu đã tiến hành xác định những lợi ích và những bất lợi của việc tầm soát. Trong đó, ba loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất cho việc tầm soát là:

       - Chụp X-quang phổi.

       -   Xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm.

       -   Chụp cắt lớp điện toán ngực (CT scan).

Tuy nhiên việc tầm soát cũng chỉ nhắm vào các đối tượng có nguy cơ, theo hướng dẫn của Hiệp Hội ung thư Hoa kỳ và hiệp hội UTP Châu Âu, khuyến cáo nên chụp cắt lớp điện toán ngực (CT scan) hàng năm cho các đối tượng như: tuổi từ 55 – 74 tuổi, hút thuốc trên 30gói-năm, hoặc đang hút thuốc hay đã ngưng hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại.

Bên cạnh những lợi ích có được từ việc tầm soát để phát hiện sớm UTP như tăng khả năng trị khỏi, giảm nguy cơ tử vong… ; cũng có những bất lợi như:

   -         Các nghiên cứu cho thấy những tổn thương bất thường khi phát hiện được cần phải có những bước để đánh giá tiếp theo như: soi phế quản, FNA dùng kim nhỏ chọc hút vào khối bướu, hay đôi khi phải phẫu thuật để có được chẩn đoán chính xác, điều đó có thể gây ra tai biến không mong muốn trong khi phần lớn các bướu đó lại là lành tính.

   -         Chụp X-quang nhiều làm tăng nguy cơ phơi nhiễm chất phóng xạ dẫn đến ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, mặt khác, khi kéo dài thời gian theo dõi các tổn thương ở phổi sẽ gây nên tâm trạng lo lắng cho người bệnh.

Người nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm, người nguy cơ trung bình nên chụp CT ngực liều thấp hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm.

6.     Phòng ngừa ung thư phổi

- Bỏ thuốc lá: Độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày, chủng loại thuốc lá... đều có mối liên quan chặt chẽ đến UTP. Tỷ lệ mắc UTP của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần, do đó việc cần nhấn mạnh đầu tiên để phòng tránh UTP là bỏ thuốc lá, không hút thuốc chủ động và cũng tránh xa những làn khói thuốc xung quanh.

- Tập thể dục: Tập luyện thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa ung thư nói chung. Kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn, đi bộ…có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc UTP.

- Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả: Phòng tránh UTP nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các loại rau đa dạng nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam... Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành…

- Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng: Đối với những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Tóm lại, việc tầm soát ung thư phổi là cần thiết đối với những trường hợp có yếu tố nguy cơ như đã nêu ở trên. Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam có đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại trong việc tầm soát, phát hiện ung thư phổi.

Bs. Nguyễn Quang Anh Tuấn – Khoa CĐHA-TDCN

Tài liệu tham khảo:

1.     Silvestri GA, Gonzalez AV, Jantz MA, et al. Methods for stagingnon-small cell lung cancer: Diagnosis and management of lung cancer, 3rd ed: American College of ChestPhysiciansevidence-based clinical practiceguidelines. Chest 2013; 143:e211S.

2.     Rivera MP, Mehta AC, Wahidi MM. Establishing the diagnosis of lung cancer: Diagnosis and management of lung cancer, 3rd ed: American College of ChestPhysiciansevidence-based clinical practiceguidelines. Chest 2013; 143:e142S.

3.     Ost DE, Yeung SC, Tanoue LT, Gould MK. Clinical and organizationalfactors in the initialevaluation of patients with lung cancer: Diagnosis and management of lung cancer, 3rd ed: American College of ChestPhysiciansevidence-based clinical practiceguidelines. Chest 2013; 143:e121S.

4.     Silvestri GA, Littenberg B, Colice GL. The clinical evaluation for detectingmetastatic lung cancer. A meta-analysis. Am J Respir Crit CareMed 1995; 152:225.

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432