Chủ đề sức khỏe số 3: CA LÂM SÀNG HẠ ĐƯỜNG HUYẾT Ở BỆNH NHÂN ĐTĐ LỚN TUỔI
CA LÂM SÀNG: HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Ở NGƯỜI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LỚN TUỔI
1.
Thông tin bệnh nhân:
Bệnh nhân nam, 72 tuổi, có tiền sử đái tháo đường type 2 đã điều trị 5 tháng với glimepiride 4mg/ngày và metformin 750mg * 2 viên/ngày. Gần đây bệnh nhân nhập viện với triệu chứng hôn mê, đường máu 1 mmol/l, đặc biệt bệnh nhân không có các biểu hiện adrenergic như run, vã mồ hôi. Sau khi được bác sĩ thăm khám và điều chỉnh thuốc điều trị đái tháo đường, hiện tại đường máu bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân được thăm khám thêm các biểu hiện về sa sút trí tuệ, biến cố tim mạch do hạ đường huyết.
2.
Nhận xét:
Nhiều
nghiên cứu đã chỉ ra tần suất hạ đường huyết tăng lên đáng kể ở người lớn tuổi
[1,3]. Người lớn tuổi có thể có nhiều biểu hiện hạ đường huyết theo kiểu thần
kinh (chóng
mặt, suy nhược, mê sảng, lú lẫn) so với biểu hiện adrenergic (run,
vã mồ hôi), dẫn đến chậm nhận biết hạ đường huyết [2]. Các triệu chứng
biểu hiện thần kinh này có thể bị bỏ sót hoặc hiểu nhầm là bệnh thần kinh
nguyên phát (chẳng hạn như cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua), dẫn đến việc bệnh
nhân không báo cáo nhiều về các đợt hạ đường huyết.
3.
Kết luận:
Hạ đường
huyết có thể dẫn đến kết quả xấu, chẳng hạn như té ngã do chấn thương, các biến
cố tim mạch bất lợi và rối loạn chức năng tự động của tim [4,5]. Ngoài ra, hạ
đường huyết nghiêm trọng cần nhập viện có liên quan đến tăng nguy cơ mắc và làm
nặng sa sút trí tuệ trên người lớn tuổi [6,7]. Ngay cả một đợt hạ đường huyết
nhẹ cũng có thể dẫn đến kết quả bất lợi ở những bệnh nhân già yếu. Ví dụ, các
cơn chóng mặt hoặc suy nhược làm tăng nguy cơ té ngã và gãy xương.
Do đó, giảm
nguy cơ hạ đường huyết trên người lớn tuổi là rất quan trọng, đòi hỏi người thấy
thuốc cần cá thể hóa mục tiêu điều trị trên nhóm bệnh nhân này, cần đánh giá về
các rào cản liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như suy giảm nhận thức và/hoặc chức
năng, trầm cảm, và các vấn đề xã hội và tài chính khác có thể cản trở việc tự
chăm sóc của bệnh nhân lớn tuổi và lựa chọn các thuốc điều trị đái tháo đường
không gây hạ đường huyết như metformin, nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1
(liraglutide or semaglutide), nhóm thuốc ức chế SGLT2 (empagliflozin hoặc
canagliflozin), nhóm thuốc ức chế DPP-4 (sitagliptin, saxagliptin, linagliptin
và alogliptin). Các thuốc kích thích tiết insulin như sulfonylurea và
meglitinides, cũng như tất cả các loại insulin, nên được sử dụng thận trọng cho
người già yếu. Ngoài ra, người nhà hoặc người chăm sóc cần được đào tạo về các
biểu hiện hạ đường huyết ở người lớn tuổi, từ đó phát hiện kịp thời và xử lý hợp
lý, nhằm giảm nguy cơ biến chứng của hạ đường huyết nặng ở người lớn tuổi.
Hiện tại, ở
phòng khám và khoa Nội thận – Tiết niệu – Nội tiết đã có đầy đủ các loại thuốc
điều trị đái tháo đường giảm nguy cơ hạ đường huyết cũng như đội ngũ bác sĩ nhiều
kinh nghiệm trong tư vấn và điều trị bệnh đái tháo đường. Từ đó, giúp bệnh nhân
đái tháo đường, đặc biệt người lớn tuổi, giảm các biến cố nặng do hạ đường huyết
nghiêm trọng và tăng tuổi thọ của bệnh nhân đái tháo dường.
Người viết: Ths.Bs. Tô
Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu – Nội tiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Kirkman MS, Briscoe VJ, Clark N, et al.
Diabetes in older adults: a consensus report. J Am Geriatr Soc 2012; 60:2342.
2. Matyka K, Evans M, Lomas J, et al.
Altered hierarchy of protective responses against severe hypoglycemia in normal
aging in healthy men. Diabetes Care 1997; 20:135.
3. Geller AI, Shehab N, Lovegrove MC, et
al. National estimates of insulin-related hypoglycemia and errors leading to
emergency department visits and hospitalizations. JAMA Intern Med 2014;
174:678.
4. Adler GK, Bonyhay I, Failing H, et al.
Antecedent hypoglycemia impairs autonomic cardiovascular function: implications
for rigorous glycemic control. Diabetes 2009; 58:360.
5. Khunti K, Davies M, Majeed A, et al.
Hypoglycemia and risk of cardiovascular disease and all-cause mortality in
insulin-treated people with type 1 and type 2 diabetes: a cohort study.
Diabetes Care 2015; 38:316.
6. Whitmer RA, Karter AJ, Yaffe K, et al.
Hypoglycemic episodes and risk of dementia in older patients with type 2
diabetes mellitus. JAMA 2009; 301:1565.
7. Yaffe K, Falvey CM, Hamilton N, et al.
Association between hypoglycemia and dementia in a biracial cohort of older
adults with diabetes mellitus. JAMA Intern Med 2013; 173:1300.