CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 36: TẬT KHÚC XẠ HỌC ĐƯỜNG: PHÒNG NGỪA VÀ KIỂM SOÁT CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

Thứ tư Ngày 22 Tháng 06 2022 21:04:05 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

TẬT KHÚC XẠ HỌC ĐƯỜNG:

PHÒNG NGỪA VÀ KIỂM SOÁT CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

Tật khúc xạ học đường gia tăng ngày đáng báo động ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo về công tác phòng chống mù lòa năm 2014 của GS.TS Đỗ Như Hơn, tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường chiếm khoảng 40% - 50% học sinh thành phố và 10% - 15% học sinh nông thôn. Tật khúc xạ luôn gây ra những phiền toái, tự ti và bất cập trong sinh hoạt và học tập. Vì thế, giải pháp cải thiện, điều trị và phòng ngừa là hết sức cần thiết.

1. Tật khúc xạ học đường là gì?

Tật khúc xạ học đường là tật khúc xạ thường mắc ở tuổi đi học, do các vấn đề học tập, vui chơi giải trí và chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học làm ảnh hưởng đến khả năng điều tiết của mắt, làm cho võng mạc suy yếu làm tăng nguy cơ mắc các tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị.

2. Thực trạng tật khúc xạ của trẻ em ở tuổi học đường

Tật khúc học đường đang gia tăng nhanh ở rất nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 333 triệu người bị mù lòa hoặc khuyết tật về thị giác. Gần một nửa số này đang bị tật khúc xạ nhưng chưa được điều trị, trong đó có hơn 13 triệu là trẻ em.

Trong đó, Châu Á đang là nơi có tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ học đường cao nhất thế giới, đặc biệt là các nước như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc con số tật khúc xạ lên đến 80-90%. Tại Việt Nam, hiện trẻ em độ tuổi 6-15 bị tật khúc xạ lên đến 3 triệu. Tỷ lệ này ngày càng tăng nhanh và tập trung nhiều ở thành thị (40-45%).


Tật khúc xạ học đường gia tăng đáng báo động

Cũng có một số ít trường hợp tật khúc xạ xuất hiện ở lứa tuổi nhỏ hoặc sau tuổi trưởng thành do chấn thương, bệnh lý nội khoa, phụ nữ sau khi sinh… Tật khúc xạ thường có xu hướng phát triển tăng cho đến năm 18-20 tuổi thì dừng lại.

3. Nguyên nhân gây tật khúc xạ ở trẻ

Mắt bình thường, khi nhìn một vật, ảnh của vật sẽ hội tụ trên võng mạc, cho ta hình ảnh sắc nét và rõ ràng. Tuy nhiên, khi mắt bị tật khúc xạ, hình ảnh sẽ không rơi vào trong võng mạc. Tật khúc xạ có 3 loại: cận, loạn và viễn thị. Nếu hình ảnh hội tụ trước võng mạc gọi là cận thị, nếu rơi phía sau thì gọi là viễn thị, còn nếu hình ảnh của vật không phải là một điểm mà là một đoạn thẳng có thể trước, sau hoặc nửa trước của võng mạc thị gọi là loạn thị.

Tật khúc xạ thường xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân chính: nguyên nhân bẩm sinh và do yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài.

- Nguyên nhân bẩm sinh: Thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình, và một phần do sự sai lạc phát triển xảy ra ở thời kỳ phôi thai và thời kỳ phát triển tích cực. Những rối loạn dẫn đến những bất thường ở những thành phần cấu tạo khúc xạ nhãn cầu như: độ cong giác mạc, độ sâu tiền phòng…

- Nguyên nhân môi trường: Tật khúc xạ học đường mắc phải còn do quá trình học tập, thói quen sinh hoạt không hợp lý như: ngồi sai tư thế, thiếu ánh sáng khi học tập, bàn ghế ngồi học không phù hợp, nhìn gần liên tục, thói quen đọc sách, sử dụng các thiết bị điện tử không hợp lý. Việc tiếp xúc các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ gây cho mắt. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử có bước sóng ngắn, sẽ phá hủy các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc chính là nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ ở mắt.

Ngoài ra, chế độ học tập quá căng thẳng, tập trung quá lâu không có thời gian cho mắt nghỉ ngơi, điều tiết là những điều kiện có thể ảnh hưởng đến tật khúc xạ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không đủ chất, cơ thể thiếu vitamin và vi chất sẽ khiến củng mạc bị suy yếu và trục nhãn cầu biến dạng gây ra các tật khúc xạ về mắt.

4. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tật khúc xạ học đường

Dấu hiệu chủ yếu của tật khúc xạ ở trẻ em là nhìn mọi vật mờ, không nhìn rõ các vật ở xa (cận thị), nhìn xa hay gần đều thấy mờ (loạn thị hay viễn thị). Trẻ khó khăn trong việc đọc chữ hay nhầm lẫn chữ viết, khi xem tivi thường hay nheo mắt ngồi gần mới thấy. Trẻ có triệu chứng nhức đầu, mỏi mắt, chóng mặt, buồn nôn, hay chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, viết chữ hay “leo dốc”, không thẳng hàng, học tập sa sút.


Dấu hiệu của trẻ bị tật khúc xạ là giảm độ tập trung khi học tập

Khi nhận thấy thị lực của trẻ có bất thường cần cho trẻ đi khám sớm ở cơ sở y tế/bệnh viện có chuyên khoa để kiểm tra thị lực giúp trẻ phát hiện sớm tật khúc xạ và những bất thường khác ở mắt nếu có để có hướng cải thiện kịp thời, hợp lý.

5. Phòng ngừa tật khúc xạ học đường ở trẻ em

Tật khúc xạ học đường là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy tật khúc xạ gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc tật khúc xạ của học sinh gia tăng theo lứa tuổi, tuổi càng lớn thì tỉ lệ mắc tật khúc xạ càng cao, học sinh ở thành thị có tỉ lệ mắc tật khúc xạ cao hơn vùng nông thôn đến 2,6 lần. Vì vậy, giải pháp phòng tránh, bảo vệ đôi mắt sáng khỏe là vô cùng cần thiết. Để bảo vệ đôi mắt sáng khỏe lứa tuổi học đường cần lưu ý thực hiện các phương pháp sau đây:

- Góc học tập phải đủ ánh sáng: Cần thiết kế góc học tập đủ ánh sáng, nên đặt bàn học gần cửa sổ, đèn phải đủ sáng, có chụp phản chiếu từ phía trước mặt, đảm bảo ánh sáng không bị lóa. Theo Hiệp hội chiếu sáng Bắc Mỹ (IESA), mức độ chiếu sáng phù hợp cho học sinh là 300-400 lux. Vì vậy, nên chọn đèn led có công suất 13W. Không đọc sách ở nơi thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, nằm  đọc sách.

- Ngồi học đúng tư thế: Ngồi thẳng lưng, vuông góc với ghế, hai chân khép để trên sàn nhà, đầu cúi 10-15 độ. Đảm bảo kích thước bàn ghế phù hợp với kích thước của cơ thể, chiều cao của bàn ghế phù hợp với khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm (học sinh tiểu học), 30-35cm đối với học sinh trung học cơ sở và phổ thông.


Ngồi học đúng tư thế là cách phòng ngừa tật khúc xạ hiệu quả cho trẻ

- Có chế độ học tập, nghỉ ngơi hợp lý: Có chế độ học tập, vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý để mắt được thư giãn, điều tiết, chớp mắt. Cứ 1 giờ học thì cần cho mắt nghỉ ngơi 10-15 phút. Không xem các thiết bị điện tử quá 60 phút mỗi lần, có khoảng cách đúng.

- Ngủ đủ giấc: Nên ngủ đủ giấc 8-10 tiếng/ngày.

- Tăng cường thực phẩm bổ mắtBên cạnh chế duy trì chế độ ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm thì phụ huynh cần tăng cường những thực phẩm tốt cho mắt giàu vitamin và khoáng chất như: Vitamin A, E, C, B (có trong sữa, lòng đỏ trứng, gan động vật, cà rốt, bí đỏ, rau xanh, các loại đậu…); Thực phẩm giàu khoáng chất như kẽm, selen, crom (cá, tôm, cua, nghêu, ốc, hàu, thịt bò, nấm, thịt nạc…).

CNĐD. Nguyễn Thị Ly - T3G

Nguồn: https://wit-ecogreen.com.vn/tat-khuc-xa/hoc-duong-c20a318.html

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432