CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 44: BỆNH LỒNG RUỘT Ở TRẺ EM

Thứ ba Ngày 02 Tháng 08 2022 02:18:52 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

BỆNH LỒNG RUỘT Ở TRẺ EM

Lồng ruột là tai biến thường xảy ra ở trẻ đang bú mẹ, đặc biệt là những bé có nhu động ruột mạnh. Khi bị lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẹt, không nuôi được đoạn ruột bị lồng, có thể dẫn đến hoại tử. Vì vậy, phụ huynh cần nắm được các dấu hiệu lồng ruột ở trẻ để sớm đưa trẻ đi cấp cứu, được siêu âm khảo sát búi lồng và được can thiệp kịp thời.

1.     Lồng ruột là gì?

Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ 3-36 tháng tuổi, đặc biệt là những trẻ bụ bẫm.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra hiện tượng trẻ bị lồng ruột vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có ảnh hưởng tới nguy cơ lồng ruột ở trẻ như: sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột, có polyp hoặc khối u ở ruột, viêm nhiễm ở ruột, dính ruột, các sẹo tổn thương ở ruột hoặc sau viêm đường hô hấp.

Lồng ruột làm tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng (hiện tượng tắc ruột, bán tắc ruột). Bên cạnh đó, các đoạn ruột luôn kèm theo các mạch máu mạc treo nuôi dưỡng nên khi lồng ruột xảy ra thường làm các mạch máu cũng bị tắc nghẽn theo. Đoạn ruột bị tắc sẽ nhanh chóng bị giãn to, mạch máu bị ứ trệ khiến đoạn ruột bị thiếu máu, dẫn tới quá trình viêm nhiễm, phù nề, hoại tử, xuất huyết.

2.     Cách nhận biết trẻ bị lồng ruột

-         Độ tuổi: 3-36 tháng.

-         Trẻ đang ăn uống bình thường bỗng nhiên khóc thét, bỏ bú, ngừng chơi, da tím tái - báo hiệu khúc ruột đã bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời nín khóc, thậm chí bú lại.

-         Khi cơn đau tái phát, trẻ khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được, nôn ói ra thức ăn hoặc dịch xanh, dịch vàng;.

-         Sau vài giờ trẻ mệt lả, da xanh mượt.

-         Sau khoảng 6 - 12 tiếng, trẻ đi ngoài ra máu tươi hoặc màu nâu, có lẫn chút nhầy. Da trẻ tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh và mắt trũng.

3.     Vai trò của siêu âm chẩn đoán

Siêu âm chẩn đoán là một kỹ thuật hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để chẩn đoán xác định cũng như chẩn đoán phân biệt bệnh lý lồng ruột với độ tin cậy 100%. Bên cạnh đó, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh còn có thể chẩn đoán biến chứng, theo dõi sau điều trị, chẩn đoán nguyên nhân trong một số trường hợp.

-         Vị trí thường ở gặp ở hạ sườn phải – mạn mỡ phải.

-         Mặt cắt ngang qua búi lồng: hình tròn nhiều vòng đồng tâm, hình củ hành, xen lẫn mạc treo ruột và hạch, đường kính d#20-40 mm.

-         Mặt cắt dọc qua búi lồng: hình nhiều lớp chồng lên, hay hình giả thận, hình bánh mì sandwich, chiều dài  ≥ 30 mm.

-         Nhiều hạch mạc treo phản ứng.

-         Các quai ruột còn lại ứ dịch tăng nhu động và nặng hơn nếu trẻ đang trong bệnh cảnh viêm đường ruột.


             Hình ảnh siêu âm lồng ruột ở các mặt cắt ngang và dọc

Các biến chứng hay gặp:

-     Các quai ruột non giãn, ứ dịch, tăng nhu động, thành phù nề.

-     Tăng hoặc giảm tưới máu thành ruột.

-     Dịch ổ bụng.

-     Hơi trong ổ bụng.

-     Dấu lưỡi liềm: xuất tiết dịch trong lòng quai ruột ngoài.

4.     Biện pháp phòng tánh lồng ruột ở trẻ em

Do chưa xác định rõ nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu. Cách tốt nhất là phụ huynh nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Khi trẻ có dấu hiệu đau bụng từng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, bỏ bú, xoắn vặn, ngừng chơi,... thì cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đi khám. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ nhanh chóng thăm khám, siêu âm ổ bụng,... để chẩn đoán xác định và có biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ.

 

Bs. Nguyễn Hoàng Ái Quyên – Khoa CĐHA,TDCN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432