CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 51: HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

Thứ ba Ngày 16 Tháng 08 2022 20:29:31 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

BỆNH LÝ HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY


         Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng gây đau, tê bì bàn tay ở một hay cả hai bên và là bệnh lý rất dễ bị nhầm lẫn. 

Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay và diễn tiến nặng nề dần theo thời gian.

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh, teo cơ mô cái, ảnh hưởng rất nhiều chất lượng cuộc sống.  Vì vậy, việc nhận biết và điều trị sớm là rất quan trọng để cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng cho người bệnh.

1.Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay:

 

Biểu hiện của hội chứng ống cổ tay  khá đa dạng do dây thần kinh giữa là dây thần kinh hỗn hợp: Cảm giác, vận động và thần kinh thực vật.

Bệnh có thể gây ra các dấu hiệu sau:

a. Rối loạn về cảm giác

          Người bệnh thường có cảm giác tê, dị cảm, đau buốt như kim châm hoặc rát bỏng ở vùng da ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón nhẫn, các triệu chứng này biểu hiện từ cổ tay đến các ngón. Các rối loạn về cảm giác thường tăng về đêm, làm cho người bệnh thức giấc, gây mất ngủ, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt.

 

 

Vùng rối loạn cảm giác của Hội chứng ống tay

 

b. Rối loạn về vận động

          Triệu chứng này xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh. Người bệnh thường có tình trạng cầm nắm khó, các động tác khéo léo của bàn tay giảm, hay đánh rơi đồ vật.


Cơ mô cái bị teo ở bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay giai đoạn muộn

2. Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay

-  Di truyền

- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới

- Sử dụng tay và cổ tay lặp đi lặp lại nhiều lần

- Thực hiện các hoạt động cần uốn cong, gập duỗi quá mức bàn tay và cổ tay trong 1 thời gian dài

- Thai kỳ: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay

- Các bệnh lý đi kèm: Béo phì, đái tháo đường, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp.

- Sau chấn thương cổ tay: Viêm khớp, viêm gân, viêm đơn hay đa dây thần kinh, gãy xương,…

3.Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bệnh nhân cần đến khám tại bác sĩ cần phải có kinh nghiệm chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, thần kinh. Kết hợp việc khám lâm sàng, biểu hiện bệnh trên từng bệnh nhân và kết quả điện cơ đồ EMG.

4. Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay

          Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Các phương pháp chữa trị gồm:

-         Điều trị nội khoa: Được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng viêm đau ống cổ tay trên lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm phi steroid, hoặc dùng corticoid đường uống; đồng thời hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay. 

-         Dùng nẹp cổ tay: Phương pháp này có thể thực hiện vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày. Những nghiên cứu cho thấy dùng nẹp cổ tay có thể làm cải thiện các triệu chứng sau 4 tuần điều trị. 

-         Điều trị ngoại khoa: Được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm.

 
5.
Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

Vận động và nghỉ ngơi đúng cách để giảm thiểu các căng thẳng, áp lực lên cổ tay là cách phòng ngừa hữu hiệu để giảm thiểu khả năng mắc bệnh.

-         Nếu bạn đang làm các công việc văn phòng phải dùng bàn phím và chuột máy tính liên tục, hãy sử dụng chuột máy tính phù hợp với bàn tay để cảm thấy thoải mái, không bị căng đau cổ tay trong thời gian làm việc dài. 

-         Để bàn tay và cổ tay được nghỉ giải lao thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay định kỳ trong 10 đến 30 giây sau mỗi 15 – 30 phút làm việc nhiều bằng tay. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn phải sử dụng một lực cổ tay lớn hoặc làm các công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. 

-         Ngồi ở tư thế đúng: Việc ngồi sai tư thế thường xuyên có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở vùng cổ. Điều này có thể cũng sẽ khiến các dây thần kinh ở bàn tay bị tác động gián tiếp. 

        

*KẾT LUẬN:

          Hội chứng ống cổ tay là một bệnh rất hay gặp trên lâm sàng. Việc chẩn đoán được thực hiện bằng xét nghiệm đơn giản, phù hợp. Điều trị sớm giúp giảm nhanh các triệu chứng, phục hồi tốt chức năng, cảm giác bàn tay.

          Nhiều bệnh nhân, đặc biệt tuổi trung niên khi bị tê các ngón tay hay lầm tưởng triệu chứng của bệnh lý hội chứng ống cổ tay với tình trạng hạ Canxi, điều trị không đúng phác đồ, làm kéo dài diễn tiến của bệnh, tiền mất tật mang.

          Vì vậy, nếu bạn có tình trạng tê bì, bỏng rát bàn tay, các ngón tay, triệu chứng ngày một tăng, hãy đến cơ sở y tế hoặc phòng khám Ngoại Chấn thương- chỉnh hình, bệnh viện Đa khoa khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam để được tư vấn và điều trị đúng cách.


BS CKII. CAO HỒNG TỊNH/BS. PHẠM NGỌC XI NA- KHOA CTCH

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432