CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 60: DINH DƯỠNG CHO TRẺ TỪ GIAI ĐOẠN SƠ SINH ĐẾN 5 TUỔI
Đối với trẻ em, hệ tiêu hóa
của các bé còn chưa hoàn thiện và sẽ phát triển theo từng giai đoạn dựa trên độ
tuổi. Vì vậy, ba mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé ở các độ
tuổi khác nhau. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin về xây dựng chế
độ dinh dưỡng cho trẻ
em từ
giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi để ba mẹ có thể tham khảo và thiết lập chế độ dinh
dưỡng hiệu quả cho bé.
1. Tổng quan về chế độ
dinh dưỡng cho trẻ em
-
Dinh dưỡng
cho trẻ em giúp bé cao lớn khỏe mạnh
- Dinh dưỡng cho trẻ em dưới 3 tuổi có ý nghĩa quan trọng
tới sức khỏe và cả quá trình phát triển của trẻ. Trong những năm đầu, tốc độ
phát triển của mô, các cơ quan cùng với sự phát triển sinh lý và tinh thần của
trẻ rất nhanh. Khi dinh dưỡng của trẻ không đáp ứng đầy đủ sẽ dẫn đến chậm phát
triển và cả những biến đổi về hóa sinh sẽ ảnh hưởng đến cơ thể ở rất nhiều mức
độ khác nhau.
-
Do vậy,
việc chú ý bổ sung dinh dưỡng đúng cách để trẻ khỏe mạnh và phát triển cân đối
là vô cùng quan trọng. Với những phương pháp chăm sóc bé khỏe mạnh mau lớn được
thể hiện chi tiết ở phần dưới đây, các bà mẹ sẽ có thêm cho mình nhiều kiến thức
cần thiết để làm thế nào giúp trẻ khỏe mạnh mau lớn phát triển toàn diện.
-
Chú ý đến
chế độ dinh dưỡng cho trẻ em một cách hợp lý
- Dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển
của trẻ. Bé sẽ phát triển khỏe mạnh và thông minh khi được bú sữa mẹ ít nhất
trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch kháng lại
bệnh tật.
- Đối với các trẻ ở giai đoạn ăn dặm và trẻ lớn, các bậc
cha mẹ cần cung cấp cho bé chế độ ăn đầy đủ, cân đối giữa 5 thành phần dinh
dưỡng là chất đạm (thịt, cá, trứng..), tinh bột (gạo, khoai, ngô…), chất béo
(dầu, mỡ..), rau củ trái cây và sữa. Chất đạm, chất béo và tinh bột sẽ cung cấp
năng lượng cho trẻ; các chất dinh dưỡng từ rau quả sẽ giúp cơ thể bé sản xuất
kháng thể, tăng cường khả năng miễn dịch như một hàng rào chống lại sự xâm nhập
của virus vào cơ thể.
-
Sử dụng sữa
công thức, sữa tươi bên cạnh sữa mẹ
-
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ là nguồn dinh
dưỡng tốt nhất. Sau đó, tùy vào nhu cầu của bé và tình trạng của mẹ mà có thể
kết hợp thêm sữa công thức, sữa tươi. Ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của bé,
sữa luôn là nguồn cung cấp dưỡng chất dồi dào rất cần thiết cho sự phát triển
của trẻ. Uống sữa thường xuyên sẽ cung cấp hiệu quả các dưỡng chất mà cơ thể
trẻ cần như vitamin A, B, D, canxi và rất nhiều các vi chất dinh dưỡng khác. Vì
vậy, ba mẹ đừng quên bổ sung sữa vào khẩu phần ăn hàng ngày để con có đủ nguồn
dưỡng chất thiết yếu và phát triển khỏe mạnh.
-
Khuyến
khích trẻ vận động thường xuyên
-
Vận động giúp trẻ phát triển trí não và thể chất khỏe
mạnh.Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích trẻ rèn luyện thói quen vận động thường
xuyên (bằng những hoạt động đơn giản, vừa sức như đi bộ, làm việc nhà, leo cầu
thang…) và luyện tập đúng cách các môn thể thao ngoài trời (khoảng 1-2 giờ mỗi
ngày) để bé có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí lực.
-
Độ tuổi nào thì trẻ cũng cần vận động vì vừa tiêu hao
năng lượng dư thừa vừa giúp cơ thể thêm sảng khoái, sức đề kháng được tăng lên
và ăn uống ngon miệng. Đồng thời, đây cũng là cách để học hỏi các kỹ năng, khám
phá thế giới xung quanh.
Ngoài ra, việc cho con trẻ tiếp xúc nhiều hoặc quá
sớm với tivi, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác là điều nên hạn chế.
Bởi, nó sẽ tạo cho trẻ thói quen lười vận động, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự
phát triển não bộ.
Các nội dung chăm sóc khác:
-
Yếu tố môi trường cũng tác động tới sự phát triển của
trẻ. Việc sống trong môi trường sạch sẽ, trong lành, giữ vệ sinh đúng cách sẽ
giúp con bạn hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Môi trường kích thích trẻ học
hỏi (cho bé tiếp xúc với đồ chơi phát triển trí não, khám phá thiên nhiên và
cuộc sống xung quanh…) cũng là phương pháp tốt để bé phát triển trí tuệ.
-
Giấc ngủ đặc biệt quan
trọng với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Bé thiếu ngủ thường hay
quấy khóc, khó chịu, chậm lớn và dễ bị bệnh vặt. Do đó, các khuyến nghị cho
biết trẻ từ 3 đến 35 tháng phải ngủ 12-14 giờ một ngày, trẻ 3-5 tuổi ngủ 11-13
giờ một ngày, trẻ từ 6-10 tuổi cần ngủ 10-11 giờ một ngày.
-
Tất cả trẻ nhỏ đều cần được tiêm phòng đầy đủ theo chương
trình quốc gia. Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Bé sẽ dồn sức để phát
triển thay vì phải chống chọi với nhiều căn bệnh dễ mắc vì hệ miễn dịch còn yếu
chưa tự đối phó. Hơn nữa, tiêm chủng có thể phòng ngừa được cho bé những căn
bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
2.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em theo độ tuổi
Chế độ
2.1. Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh
Cơ thể trẻ sơ sinh rất mong manh và vô cùng
nhạy cảm, hệ tiêu hóa còn chưa được phát triển hoàn thiện.
Trong giai đoạn từ 0
– 6 tháng tuổi, trẻ có thể sử dụng kết hợp sữa mẹ hoặc sữa công thức cho nhu
cầu dinh dưỡng hằng ngày. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là nguồn chính và phù hợp nhất
vì giúp tăng cường hệ miễn dịch và dễ dàng tiêu hóa hơn.
Đối với trường hợp bú
mẹ, trẻ sơ sinh cần được bú từ 8 đến 12 lần trong một ngày hoặc tùy theo nhu
cầu của mỗi bé. Khi bé 4 tháng tuổi, số lần bú trong ngày sẽ giảm đi còn khoảng
6 – 8 lần mỗi ngày, tuy nhiên sẽ cần lượng sữa nhiều hơn.
Đối với trường hợp bé
sử dụng sữa thay thế thì cần được uống khoảng 6 – 8 lần mỗi ngày. Trẻ sơ sinh
thì nên bắt đầu từ 57 – 85g sữa bột/ lần. Cũng giống như trường hợp uống sữa
mẹ, lượng sữa sẽ tăng lên khi bé lớn hơn.
Trong khoảng thời
gian từ 4 – 6 tháng tuổi, bé đã có thể bắt đầu tập ăn dặm kết hợp cùng sữa, tuy
nhiên cần lưu ý là thức ăn phải ở dạng rất lỏng và nếu có dấu hiệu bất thường
thì phải dừng việc ăn dặm ngay.
2.2. Dinh dưỡng cho trẻ từ 6 -12 tháng
Ở giai đoạn từ 6 – 12
tháng tuổi, bố mẹ cần tập cho bé thích nghi dần với việc kết hợp thức ăn ngoài
và uống sữa. Một số loại thức ăn mà bố mẹ có thể cho trẻ ăn như: khoai lang, cà
rốt, đậu xanh… được nấu chín và nghiền nát. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ tập ăn,
ba mẹ cần cho bé thử từng muỗng nhỏ, sau đó tăng lượng thức ăn tùy theo nhu cầu
của trẻ.
Từ 8 – 12 tháng tuổi,
tần suất uống sữa mẹ hoặc sữa thay thế sẽ giảm xuống còn 3 – 4 lần mỗi ngày. Ở
giai đoạn này, trong thực đơn cần bổ sung thêm thịt được xay nhuyễn để cung cấp
chất sắt. Bố mẹ cần đưa lượng nhỏ thịt để trẻ tập quen dần và chỉ cho ăn 1 loại
thịt/tuần.
2.3.
Dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 tuổi
Khi bé đã đủ 1 tuổi, lượng ăn dặm nên được điều chỉnh tăng lên phù hợp vì lúc này bé sẽ bú ít sữa hơn trước. Các chất dinh dưỡng từ thịt, trái cây, rau, hạt ngũ cốc… sẽ cần thiết cho bé để đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, bé vẫn cần duy trì lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức chứ không thể thay thế hoàn toàn bằng bữa ăn.
2.4.
Dinh dưỡng cho trẻ từ 2-5 tuổi
Giai đoạn từ 2 – 5 tuổi được xem là thời điểm quan trọng của bé vì chuyển sang độ tuổi học đường. Bé dần có xu hướng làm chủ trong bữa ăn của bản thân. Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em trong độ tuổi này, cần bổ sung các nhóm dinh dưỡng quan trọng bao gồm:
-
Chất đạm: Thịt bò, thịt heo
hoặc thịt gà (ưu tiên thịt nạc); trứng, phô mai (tần suất 2 ngày/tuần).
-
Các loại cá có chất
béo Omega-3 tốt (ít nhất 2 lần/tuần): Cá thu, cá chép… Mỗi ngày nên
tiêu thụ 80 – 100g thịt cá.
-
Thực phẩm bổ sung lợi
khuẩn: Các loại
nước, sữa chua cho trẻ em (sử dụng duy trì tối thiểu 2 – 3 ngày/tuần).
-
Rau củ quả: Nên bổ
sung đa dạng các loại rau củ quả cho bé.
Bố mẹ nên tăng lượng
thực phẩm hợp lý tùy thuộc vào độ tuổi của bé vì nhu cầu sẽ tăng dần theo độ
tuổi.
Ngoài ra, nếu bố mẹ
chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc con trẻ hoặc bé đang mắc phải các
tình trạng nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, béo phì,… thì đừng quên đưa con em
mình đến Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam
để được các bác sĩ kiểm tra và đưa ra giải pháp phù hợp.
Bs. Nguyễn Quang Anh Tuấn – T3G