CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 68: HÃY CHĂM SÓC HỆ TIÊU HÓA CỦA BẠN THEO CÁCH KHOA HỌC

Thứ hai Ngày 03 Tháng 10 2022 00:36:40 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

 

        Chúng ta có thể đã từng bị đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy nhưng nếu những triệu chứng này xảy ra quá thường xuyên thì có thể ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày. Để tránh bị những triệu chứng khó chịu quấy rầy, bạn có thể cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.


1.     Bổ sung nhiều chất xơ

Chất xơ rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Ba loại chất xơ phổ biến là: chất xơ hòa tan, không hòa tan, và prebiotic.

-    Chất xơ hòa tan: Giúp hấp thụ nước vào phân khiến chúng trở nên mềm hơn, từ đó ngăn ngừa táo bón hiệu quả. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong cám yến mạch, các loại đậu và hạt.

-    Chất xơ không hòa tan: Hoạt động giống như một bàn chải khổng lồ, giúp làm sạch ruột, loại bỏ mọi chất thải và cặn bã có trong đường tiêu hóa. Rau cải, ngũ cốc và cám lúa mì là nguồn cung cấp chất xơ không hòa tan được tin dùng.

-    Prebiotic: Một dạng chất xơ có nhiệm vụ nuôi vi khuẩn có lợi, giúp đường ruột khỏe mạnh. Tương tự, prebiotic có mặt trong nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc.

Một chế độ ăn giàu chất xơ thường xuyên đã được chứng minh giúp thúc đẩy nhu động ruột và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, bao gồm: loéttrào ngược, trĩ hoặc viêm ruột thừa.

Chế độ ăn lý tưởng cho hệ tiêu hóa bao gồm nhiều chất xơ, chất béo lành mạnh, chất dinh dưỡng và chất lỏng.

2.     Không dùng thực phẩm đóng hộp

Nhiều carbonhydrat tinh chế, chất béo bão hòa và phụ gia chứa trong thực phẩm đóng hộp có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.

-    Các chất phụ gia thực phẩm, bao gồm glucose, muối và các hóa chất khác, đã được chứng minh là góp phần làm tăng viêm ruột.

-    Chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm chế biến sẵn không chỉ có tác dụng tiêu cực đối với sức khỏe của tim, mà còn dẫn đến viêm loét đại tràng.

-    Đồ uống đóng chai thường chứa chất làm ngọt nhân tạo (xylitol), loại chất được cho là làm tăng số lượng vi khuẩn có hại đến đường ruột. Đây cũng trở thành nguyên nhân dẫn đến đầy hơi, tiêu chảy và một số vấn đề tiêu hóa khác.

Ngược lại, chế độ ăn với thực phẩm tươi sạch và giàu chất dinh dưỡng sẽ bảo vệ bạn chống lại các bệnh rối loạn tiêu hóa. Hạn chế sử dụng đồ đóng hộp và chế biến sẵn là cách tối ưu đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa.

 

3.     Cung cấp đủ lượng nước cần thiết

Mất nước là một nguyên nhân phổ biến của táo bón. Các chuyên gia khuyên bạn nên uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng này. Trong điều kiện thời tiết nóng bức hoặc đối với người có tập luyện thể dục - thể thao thì cần bổ sung một lượng nước nhiều hơn thế.

Ngoài nước lọc, bạn cũng có cung cấp chất lỏng cho cơ thể bằng trà thảo mộc và các loại đồ uống khác không chứa cafein.

Một cách nữa để đáp ứng hàm lượng nước cần thiết là ăn các loại trái cây và rau quả mọng nước, chẳng hạn như dưa chuột, bí xanh, cần tây, cà chua, dâu, bưởi và đào.

4.     Bổ sung chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh vừa giúp cảm thấy dễ tiêu hóa hơn sau bữa ăn, vừa cải thiện được khả năng hấp thụ một số chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo. Bên cạnh đó, axit béo omega-3 có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về ruột và bệnh rối loạn tiêu hóa. Thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi bao gồm hạt lanh, hạt chia và đặc biệt là quả óc chó, cũng như các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi.

5.     Giữ tinh thần thoải mái

Ruột và não được cho là có mối liên kết phức tạp, nghĩa là những gì tiêu cực diễn ra ở não cũng sẽ tác động xấu đến ruột. Khi ở trong trạng thái quá căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormon khiến máu và năng lượng chuyển ra khỏi hệ thống tiêu hóa. Stress được cho là có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như loét dạ dày, tiêu chảy, táo bón, và hội chứng ruột kích thích.

Kiểm soát căng thẳng, tập yoga hoặc ngồi thiền đã được chứng minh vừa giúp thư giãn đầu óc, thoải mái tư duy, vừa có tác dụng cải thiện các triệu chứng ở những người mắc hội chứng ruột kích thích và các bệnh rối loạn tiêu hóa.

 

6.     Khi ăn nên tập trung

Nếu không tập trung chú ý vào bữa ăn, bạn rất dễ ăn quá nhiều và quá nhanh, điều này có thể dẫn đến đầy hơi hoặc khó tiêu.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhai chậm và tập trung thưởng thức bữa ăn có thể làm giảm các triệu chứng ở những người bị viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích.

Đừng quên tắt tivi và cất điện thoại cũng như các thiết bị di động khi ăn để giúp ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa phổ biến như khó tiêu, đầy hơi.

7.     Ăn chậm nhai kỹ

Thực tế, quá trình tiêu hóa đã bắt đầu từ trong miệng. Khi nhai càng lâu thì nước bọt tiết ra càng nhiều. Nước bọt có vai trò hỗ trợ tiêu hóa một phần thức ăn trong miệng và trở thành chất lỏng giúp trộn thức ăn ở dạ dày trước khi chuyển vào ruột non một cách trơn tru.

Trong khi nhai không cẩn thận có liên quan đến giảm hấp thu chất dinh dưỡng, thì ngược lại, nhai kỹ thức ăn sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng như khó tiêu và ợ nóng. Hơn nữa, hành động nhai chậm rãi thậm chí còn được chứng minh là giúp giảm căng thẳng, và điều này cũng có khả năng bảo vệ hệ tiêu hóa.

Cần có thời gian và trọng lực để thức ăn tiêu hóa và di chuyển xuống ruột.

8.     Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để củng cố sức khỏe cho hệ tiêu hóa. Đi dạo nhẹ nhàng sau bữa ăn có thể giúp thực phẩm di chuyển qua hệ thống tiêu hóa một cách dễ dàng.

Các nghiên cứu cho thấy người khỏe mạnh có tập thể dục vừa phải, ví dụ như đạp xe và chạy bộ, khiến thời gian vận chuyển đường ruột tăng lên gần 30%. Mặt khác, đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng táo bón mãn tính. Ngoài ra, tập thể dục còn có tác dụng chống viêm nhờ khả năng làm giảm các hợp chất gây viêm trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm ruột.

9.     Hãy lắng nghe cơ thể bạn

Nếu không nắm bắt được tín hiệu đói và no của cơ thể, bạn sẽ dễ dàng ăn quá nhiều, sau đó là cảm thấy đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu.

Nhiều người tin rằng khi dạ dày đã đầy thì phải mất đến 20 phút sau bộ não mới nhận ra điều đó và ra lệnh điều khiển bạn ngừng ăn. Mặc dù khoa học vẫn chưa chứng minh được tính chính xác, song thực tế là phải mất một khoảng thời gian để các hormone no hoặc đói từ dạ dày tiết ra đến được với não.

Do đó, nên dành thời gian để ăn chậm và chú ý đến khẩu phần ăn vừa đủ với bản thân là một cách để ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa như khó tiêu và đầy hơi. Ngoài ra, ăn uống theo cảm xúc cũng có tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Thay vì ăn khi đang lo lắng, hãy thư giãn trước bữa ăn có thể cải thiện các triệu chứng không mong muốn do bị rối loạn tiêu hóa.

10. Từ bỏ thói quen xấu

Mọi người đều biết những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia và ăn khuya rất có hại cho sức khỏe nói chung. Tuy nhiên các hành vi trên cũng chịu trách nhiệm cho một số vấn đề về tiêu hóa.

-    Hút thuốc:

Làm tăng gần gấp đôi nguy cơ trào ngược axit. Thói quen xấu này cũng có liên quan đến loét dạ dày, khiến tình trạng viêm loét đại tràng hay ung thư đường tiêu hóa diễn tiến nặng hơn. Hãy luôn nhớ rằng từ bỏ hút thuốc lá sẽ đem đến rất nhiều lợi ích.

-    Uống rượu, bia:

Rượu, bia khiến axit trong dạ dày tăng sản xuất, có thể dẫn đến chứng ợ nóng, trào ngược hoặc loét dạ dày. Uống quá nhiều rượu còn gây xuất huyết đường tiêu hóa, viêm ruột, và tổn hại đến vi khuẩn đường ruột có lợi.

-    Ăn khuya:

Nằm ngủ sau khi ăn khuya sẽ dẫn đến chứng ợ nóng và khó tiêu. Lý do là bởi vì cơ thể cần thời gian để tiêu hóa, cũng như cần trọng lực kéo thực phẩm đã ăn di chuyển xuống đúng hướng. Khi bạn nằm xuống, dịch dạ dày sẽ tăng lên và gây ợ nóng hoặc các triệu chứng trào ngược. Sau khi ăn, cần chờ 3-4 giờ để có thời gian cho thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non mới nên đi ngủ.

11.  Bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết

Men vi sinh chủng Lactobacillus và Bifidobacterium rất có lợi cho hệ tiêu hóa.

Một số chất dinh dưỡng cần thiết cho đường tiêu hóa khỏe mạnh bao gồm: men vi sinh probiotic, glutamine và kẽm.

-    Probiotic:

Là vi khuẩn có lợi cho đường ruột, cải thiện khó tiêu, đầy hơi, cũng như cả triệu chứng táo bón lẫn tiêu chảy. Probiotic được tìm thấy trong thực phẩm lên men như dưa cải, kim chi, sữa chua, và được bào chế ở dạng viên nang bao gồm hỗn hợp các chủng Lactobacillus và Bifidobacterium.

-    Glutamine:

Là loại axit amin bảo vệ sức khỏe đường ruột và được chứng minh có khả năng giảm tính thấm ruột (rò rỉ ruột) ở những người mắc bệnh nặng. Có thể bổ sung glutamine trong các loại thực phẩm như gà tây, đậu nành, trứng và hạnh nhân. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi chọn hình thức uống trực tiếp hoạt chất glutamine.

-    Kẽm:

Là một khoáng chất rất quan trọng cho đường ruột khỏe mạnh, hỗ trợ điều trị tiêu chảy, viêm đại tràng, rò rỉ ruột và các vấn đề về tiêu hóa. Thiếu hụt kẽm có thể khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa. Theo khuyến cáo, lượng kẽm cần thiết phải bổ sung hàng ngày là 8 mg cho phụ nữ và 11 mg cho nam giới. Các loại thực phẩm giàu kẽm bao gồm động vật có vỏ (hải sản), thịt bò và hạt hướng dương.

Trên đây là một số phương pháp giúp cơ thể chúng ta có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mong rằng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin bổ ích cho mọi người.

Bs. Nguyễn Quang Anh Tuấn – T3G

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432