CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 69: CHĂM SÓC BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Patient education: Foot care for people with diabetes (Beyond the Basics)
1.
Bàn chân đái tháo đường là gì?
Theo thời gian, bệnh ĐTĐ có thể dẫn đến
các biến chứng khác nhau, nhiều biến chứng có thể nghiêm trọng nếu chúng không
được xác định và giải quyết kịp thời. Các vấn đề về bàn chân là một biến chứng
thường gặp ở những người mắc bệnh ĐTĐ.
Nói chung, bạn có thể giảm nguy cơ mắc
các biến chứng liên quan đến bệnh ĐTĐ bằng cách giữ lượng đường trong máu trong
phạm vi mục tiêu và đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bạn cũng
có thể giảm nguy cơ phát triển các vấn đề về chân bằng cách kiểm tra bàn chân thường xuyên. Việc này sẽ
giúp bạn có nhiều khả năng nhận
thấy các tổn thương tại chân ngay lập tức và có cách điều trị thích hợp.
Có thể mất thời gian và nỗ lực để xây dựng thói quen chăm sóc chân tốt, nhưng
nó là một phần thiết yếu của việc kiểm soát bệnh ĐTĐ.
Các biến chứng nghiêm trọng hơn bao gồm
nhiễm trùng sâu tại da và xương. Hoại tử (phân hủy và chết mô) là một biến chứng
rất nghiêm trọng; hoại tử lan rộng có thể phải cắt cụt chi. Khoảng 5% những người
mắc bệnh ĐTĐ cuối cùng phải cắt cụt ngón chân hoặc bàn chân. Tuy nhiên, điều
này có thể được ngăn ngừa trong hầu hết các tình huống bằng cách quản lý lượng
đường trong máu và thường xuyên chăm sóc chân hàng ngày.
2.
Các Yếu tố nguy cơ của bàn chân ĐTĐ?
Theo thời gian, bệnh ĐTĐ nếu không được
quản lý cẩn thận có thể dẫn đến biến chứng bàn chân. Bạn có nhiều nguy cơ phát
triển các vấn đề về chân nếu bạn:
- Từng bị loét chân trước đây
-
Mắc các bệnh lý về thần kinh
-
Có bất kỳ dị tật nào ở chân
-
Lưu thông tưới máu chi dưới kém
Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào
trong số những yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là vết loét ở chân trước đó, bạn có
thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề về chân nếu bạn dùng thuốc được gọi là thuốc ức
chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (Sodium-glucose co-transporter 2)
(SGLT2) để kiểm soát đường huyết. Thuốc ức chế SGLT2, đặc biệt là canagliflozin,
có thể làm tăng nguy cơ phải cắt cụt chi. Bác sĩ của bạn có thể nói chuyện với
bạn về các lựa chọn thuốc khác.
Vết loét ở chân
trong quá khứ - Một khi bạn
đã bị loét chân, ngay cả khi nó đã lành hoàn toàn, bạn vẫn có nguy cơ bị loét
trở lại trong tương lai.
Tổn thương dây thần kinh - Theo thời
gian, lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh dẫn
truyền cảm giác; tổn thương thần kinh này được gọi là "bệnh thần kinh do
ĐTĐ." Bởi vì những người bị bệnh thần kinh có thể mất khả năng cảm nhận cơn đau, họ có nhiều nguy cơ bị thương ở bàn
chân; ngay cả một chấn thương nhỏ cũng có thể trở nên nghiêm trọng nhanh chóng
nếu nó không được chú ý. Tổn thương dây thần kinh cũng có thể làm suy yếu một số
cơ bàn chân và góp phần gây ra dị tật bàn chân.
Biến dạng bàn
chân - Sự bất thường về
hình dạng của ngón chân, lòng bàn chân (arches, or bottoms of the feet) có thể làm tăng nguy cơ biến chứng.
Lưu thông máu
kém - Lượng đường trong máu
cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương mạch máu, làm giảm lưu lượng máu
đến chân. Lưu thông máu kém có thể làm suy yếu da, góp phần hình thành vết loét
ở chân và làm vết thương khó lành. Một số vi khuẩn và nấm phát triển mạnh khi
có lượng đường cao trong máu; nếu vết thương bị nhiễm trùng, điều này có thể
làm nứt da và làm cho vết loét nặng hơn.
3.
Cách kiểm tra bàn chân ĐTĐ?
Khám chân thường xuyên để kiểm tra các vấn
đề hoặc thay đổi là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh ĐTĐ của bạn.
Tự kiểm tra - Điều quan trọng là phải kiểm tra bàn
chân của bạn mỗi ngày. Điều này
bao gồm việc xem xét cẩn thận tất cả
các bộ phận của bàn chân, đặc biệt là khu vực giữa các ngón chân. Tìm
vùng da bị nứt, vết loét, mụn nước, vùng da nóng hoặc tấy đỏ, hoặc thay đổi
hình thành mô sẹo; cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn nhận thấy nếu có bất kỳ thay
đổi nào.
Việc kiểm tra bàn chân trở thành một phần trong thói quen tắm rửa hoặc
thay quần áo hàng ngày của bạn có thể hữu ích. Bạn có thể cần dùng gương để nhìn rõ phần dưới của
bàn chân. Nếu bạn không thể chạm tới chân hoặc nhìn thấy chúng hoàn toàn, ngay
cả với gương, hãy nhờ người khác
(chẳng hạn như vợ / chồng hoặc thành viên khác trong gia đình) giúp bạn.
Khám lâm sàng - Trong các lần khám sức khỏe định kỳ, Bác
sĩ của bạn sẽ kiểm tra lưu lượng máu và cảm giác ở bàn chân của bạn. Tần suất của
các cuộc kiểm tra lâm sàng này sẽ phụ thuộc vào loại bệnh ĐTĐ mà bạn mắc phải:
- Ở những người mắc ĐTĐ
type 1, kiểm tra chân hàng năm nên bắt đầu sau năm năm kể từ khi chẩn đoán.
- Ở những người mắc
ĐTĐ type 2, nên bắt đầu khám chân hàng năm tại thời điểm chẩn đoán.
Trong khi khám chân,
bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra tuần hoàn chi dưới, tổn thương dây thần kinh, thay
đổi da và dị tật. Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về bất kỳ vấn đề nào bạn nhận thấy ở
bàn chân của mình. Một bài kiểm tra về giảm hoặc mất phản xạ hoặc giảm khả năng
cảm nhận áp suất, rung động, châm chích và thay đổi nhiệt độ.
Các thiết bị đặc biệt, bao gồm sợi monofilament hoặc âm thoa, có thể giúp xác định mức độ tổn
thương dây thần kinh. Sợi monofilament là một sợi chỉ rất mỏng, linh hoạt được sử dụng để xác
định xem bạn có thể cảm nhận được áp lực ở các bộ phận khác nhau của bàn chân
hay không. Một âm thoa được sử dụng để xác định bạn có thể cảm nhận được rung
động ở các khu vực khác nhau, đặc biệt là khớp bàn chân và ngón chân.
4.
Bạn cần tìm kiếm gì khi kiểm tra?
- Bạn và Bác sĩ của
bạn có thể tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng nhất định có thể chỉ ra các vấn
đề với bàn chân của bạn.
Thay đổi da hoặc vết
thương - Da quá khô, đóng vảy và nứt nẻ có thể là dấu hiệu của các vấn đề.
Những thay đổi khác trên da cần tìm bao gồm vết chai, da bị đứt giữa các ngón
chân và vết loét. Loét có thể bắt đầu như những vết loét chỉ ảnh hưởng đến lớp
da trên cùng (hình 1), nhưng nếu không được điều trị, chúng có thể đi sâu hơn
vào da và cơ.
Hình 1: Hình ảnh
này cho thấy một vết loét ở chân đi qua tất cả các lớp của da. Tổn thương dây
thần kinh cũng khiến ngón chân cong hơn bình thường (mũi tên), được gọi là
"móng vuốt".
Dấu hiệu tổn thương
dây thần kinh - Tổn thương dây thần kinh có thể dẫn đến cảm giác bất thường ở
bàn chân và chân, bao gồm đau, bỏng rát, ngứa ran hoặc tê. Nếu bạn nhận thấy
những triệu chứng này, hãy theo dõi thời điểm chúng xảy ra; bàn chân, mắt cá
chân và / hoặc bắp chân của bạn có bị ảnh hưởng hay không; và những biện pháp
nào làm giảm các triệu chứng.
Qua nhiều năm, nếu tổn
thương dây thần kinh trở nên nặng hơn, bàn chân và chân cuối cùng có thể mất
hoàn toàn cảm giác. Điều này có thể rất nguy hiểm vì nếu bạn không cảm thấy
đau, bạn có thể không nhận thấy nếu giày của bạn không vừa vặn, nếu bạn có vật
gì đó trong giày có thể gây kích ứng hoặc nếu bạn bị thương ở chân.
Dị tật - Cấu trúc và
sự xuất hiện ở bàn chân và các khớp bàn chân có thể cho thấy các biến chứng của
bệnh ĐTĐ. Tổn thương dây thần kinh có thể dẫn đến biến dạng tại khớp và bàn
chân. Các ngón chân có thể có hình dạng "móng vuốt" đặc biệt (hình 1),
vòm bàn chân và các xương khác có thể bị sụp xuống. Sự phá hủy xương và khớp
này được gọi là "bệnh khớp Charcot" (hình 2).
Hình 2: Bệnh khớp Charcot. Người mắc ĐTĐ này bị tổn thương xương khớp
được gọi là bệnh khớp Charcot. Vòm bàn chân của người đó đã sụp xuống và được
thay thế bằng sự phát triển của xương (xem mũi tên). Một số yếu tố góp phần vào
tình trạng không đau này, bao gồm mất cơ, giảm cảm giác và phân bổ trọng lượng
không phù hợp.
Dấu hiệu của tuần hoàn kém - Mạch yếu, bàn chân lạnh, da mỏng hoặc
nhợt nhạt, và thiếu lông ở khu vực này cho thấy rằng bàn chân của bạn không nhận
được đủ lưu lượng máu.
5.
Các biện pháp ngăn ngừa các vấn đề về chân trong bệnh đái
tháo đường?
Có một số điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc các bệnh về
chân. Ngoài việc kiểm soát lượng đường
trong máu, thực hành các thói quen chăm
sóc bàn chân tốt và kiểm tra bàn
chân hàng ngày là điều quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng.
Tầm quan trọng của việc quản lý lượng
đường trong máu - Nói
chung, bạn có thể giảm nguy cơ mắc tất cả các biến chứng liên quan đến ĐTĐ bằng
cách giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt. Kiểm soát lượng
đường trong máu của bạn đòi hỏi phải đi khám bác sĩ thường xuyên, thực hiện chế
độ ăn uống lành mạnh và thay đổi lối sống, đồng thời dùng thuốc theo chỉ dẫn.
Quản lý cẩn thận lượng đường trong máu có thể làm giảm nguy cơ các vấn đề về tuần hoàn và tổn
thương dây thần kinh thường dẫn đến biến chứng bàn chân do ĐTĐ.
Bỏ hút thuốc - Hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim và mạch máu, đồng thời
làm giảm lưu thông máu đến bàn chân. Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc lá là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm
để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ biến chứng. Mặc dù điều này có thể khó
khăn, nhưng bác sĩ của bạn có thể giúp bạn và cung cấp các nguồn lực khác để hỗ
trợ.
Tránh các hoạt động có thể làm bị
thương bàn chân - Một số hoạt
động nhất định làm tăng nguy cơ bị thương hoặc bỏng ở chân và không được khuyến
khích. Chúng bao gồm đi chân trần
(vì bạn có thể giẫm phải thứ gì đó mà không nhận ra), sử dụng miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng trên chân
và bước vào bồn tắm nước nóng trước khi kiểm tra nhiệt độ.
Cẩn thận khi cắt tỉa móng - Cắt móng chân thẳng ngang, và tránh cắt dài hoặc quá ngắn hai bên
(hình 3). Bạn có thể dùng dũa móng tay
để loại bỏ các cạnh sắc nhọn để ngăn móng chân ăn sâu vào da. Không bao giờ cắt lớp biểu bì của bạn
hoặc cho phép bất kỳ ai khác (ví dụ: thợ làm móng) làm như vậy. Hãy đến gặp bác
sĩ (chẳng hạn như bác sĩ chuyên về bàn chân) nếu bạn cần điều trị móng quặp hoặc
vết chai chân.
Hình 3a. Cắt móng chân thẳng ngang. 3b: Móng quặp.
Rửa và kiểm tra chân hàng ngày - Dùng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa
chân. Lau khô chân kỹ lưỡng, đặc biệt chú ý đến khoảng trống giữa các ngón
chân, bằng cách dùng khăn sạch, có khả năng thấm nước nhẹ nhàng vỗ nhẹ. Bôi kem dưỡng ẩm hoặc kem dưỡng da.
Kiểm tra toàn
bộ bề mặt của cả hai bàn chân xem có bị đứt da, phồng rộp, sưng tấy hoặc đỏ hay
không, bao gồm cả giữa và bên dưới các ngón chân, nơi có thể không dễ dàng nhìn
thấy tổn thương. Không làm phồng rộp hoặc làm vỡ da chân. Hãy cho bác sĩ của bạn
biết ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi hoặc vấn đề nào.
Chọn tất và giày cẩn thận - Mang tất cotton vừa vặn, và nhớ thay tất hàng ngày. Chọn
những đôi giày vừa vặn nhưng không chật, có phần mũi giày rộng (hình 4) và bạn
nên sử dụng giày trong thời gian tăng dần cho đến khi đôi giày phù hợp dần với
chân của bạn trước khi mang cả ngày để tránh bị phồng rộp. Có thể hữu ích nếu bạn
luôn phiên một số đôi giày khác nhau, thoải mái, vừa vặn để tránh áp lực nhất
quán lên một phần của bàn chân. Nếu bạn bị dị tật bàn chân hoặc loét chân, hãy
hỏi bác sĩ về giày tùy chỉnh; điều này có thể làm giảm nguy cơ bị loét chân
trong tương lai. Miếng lót giày cũng có thể giúp nâng đỡ bước chân và giảm áp lực
lên lòng bàn chân.
Hình 4. Chọn giày vừa chân và
không quá chật hoặc quá rộng.
Đảm bảo khám chân thường xuyên - Kiểm tra các biến chứng liên quan đến bàn
chân nên là một phần thường quy của hầu hết các lần khám bệnh; tuy nhiên, điều
này đôi khi bị bỏ qua. Đừng ngần ngại yêu cầu bác sĩ của bạn kiểm tra chân ít
nhất một lần một năm và thường xuyên hơn nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào.
6.
Điều trị loét bàn chân đái tháo đường như thế nào?
Nếu bạn bị
loét chân, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
Loét bề mặt
da - Các vết loét bề mặt chỉ liên quan đến các lớp da trên cùng (hình 1). Điều
trị thường bao gồm làm sạch vết loét và loại bỏ da và mô chết bởi nhân viên y tế.
Sau khi cắt lọc tế bào chết, viết thương này sẽ được phủ một lớp băng gạc để giữ
sạch và ẩm.
Nếu bàn chân bị nhiễm trùng, bạn sẽ được dùng thuốc kháng sinh. Bạn nên rửa sạch vết
loét và băng sạch hai lần mỗi ngày hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ chăm sóc
chân; bạn có thể phải nhờ ai đó giúp bạn việc này. Tráng trọng lực ảnh hưởng
lên bàn chân bị loét càng nhiều càng tốt và nâng chân lên khi bạn đang ngồi hoặc
nằm. Tùy thuộc vào vị trí của vết loét, bạn cũng có thể được bó bột hoặc dùng
các dụng cụ hổ trợ khác để giảm áp lực lên vùng bị loét khi bạn đi bộ. Bạn nên đến
bác sĩ để kiểm tra vết loét của bạn ít nhất một lần mỗi tuần để đảm bảo rằng vết
loét đang lành lại.
Viết Loét lan rộng hơn
- Các vết loét mở rộng đến các lớp sâu hơn của bàn chân, liên quan đến cơ và
xương (hình 5), thường phải điều trị tại bệnh viện. Các xét nghiệm và chụp
X-quang có thể được thực hiện, và thường dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Ngoài
việc cắt lọc để loại bỏ da và mô chết, phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ
xương bị nhiễm trùng. Bạn cũng có thể cần được điều trị với "liệu pháp hút
áp lực âm (VAC)"; Điều này bao gồm việc che vết loét bằng một miếng bọt xốp tương ứng vừa vết thương và sử dụng thiết bị hút chân không đặc biệt để giúp tăng
lưu lượng máu và tăng tốc độ chữa lành viết thương.
Hình 5. Bức ảnh này cho thấy một vết loét nghiêm trọng ở bàn chân xuyên qua da và cơ, đến tận xương.
Một vết loét
nghiêm trọng ở bàn chân xuyên qua da và cơ, đến tận xương.
Nếu một phần của ngón
chân hoặc bàn chân bị tổn thương nghiêm trọng, gây ra các vùng mô chết (hoại
thư), có thể phải cắt cụt một phần hoặc toàn bộ. Cắt cụt chi dành cho những vết
thương không lành dù được điều trị tích cực hoặc những lúc sức khỏe bị đe dọa
bởi tổ chức hoại tử. Hoại tử không được điều trị có thể đe dọa tính mạng.
Một số người bị loét
chân nghiêm trọng và bệnh mạch máu ngoại vi (tuần hoàn kém) có thể yêu cầu các
thủ thuật để khôi phục lưu lượng máu đến bàn chân (như đặt stent hay nông bằng
bóng động mạch chi dưới).
Mặc dù các vấn đề về chân ở bệnh ĐTĐ là phổ biến và có thể nghiêm trọng, nhưng hãy nhớ rằng có những điều bạn có thể làm để giúp ngăn ngừa chúng. Bỏ thuốc lá, nếu bạn hút thuốc, là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho sức khỏe tổng thể của mình và để ngăn ngừa các bệnh về chân. Ngoài ra, việc kiểm tra và chăm sóc bàn chân hằng ngày là cách tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển các biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Ths.Bs. Tô Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội Thận-Tiết niệu-Nội tiết