Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và các yếu tố nguy cơ?
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và các yếu
tố nguy cơ?
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (hay suy vành) là tình trạng tắc nghẽn một
phần hoặc toàn bộ mạch vành (mạng lưới mạch máu bao quanh tim) làm giảm lượng
máu giàu oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng cơ tim và gây ra các cơn đau
thắt ngực. Nếu không được tái tưới máu kịp thời, một vùng cơ tim phía sau sẽ bị
hoại tử, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ chủ yếu là do tắc hẹp mạch vành,
nhưng trong đó không chỉ là xơ vữa mạch vành, hình thành cục máu đông mà còn có cả co thắt mạch vành
được kích hoạt bởi tình trạng viêm ở hệ thống vi mạch vành.
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim: Có 3 nguyên nhân chính gây thiếu máu cơ
tim bao gồm:
1. Xơ vữa động mạch vành
Đây là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim phổ biến nhất do sự tích tụ chất
béo (cholesterol) và canxi trong lòng động mạch vành. Theo thời gian, các mảng
bám dày lên làm lòng mạch trở nên hẹp và xơ cứng, làm giảm lưu lượng máu đến
nuôi cơ tim. Hậu quả của việc cơ tim không nhận được đầy đủ oxy và dưỡng chất là
các cơn đau thắt ngực, nặng ngực hoặc khó chịu ở lồng ngực.
2. Co thắt vành
Thiếu máu cơ tim ngoài liên quan đến mảng xơ vữa thì còn xuất hiện do co
thắt mạch vành. Cụ thể hơn là do rối loạn chức năng của nội mô ở hệ vi mạch
vành (bao gồm các mạch máu nhỏ và mao mạch).
Nội mô là lớp áo lót trong của tất cả các mạch máu trong cơ thể. Nó vừa
đóng vai trò bảo vệ giống như lớp rào chắn giữa dòng máu và thành mạch, đồng
thời có chức năng điều hòa trương lực mạch máu, duy trì sự cân bằng giữa các
quá trình co mạch và giãn mạch; đông và chống đông máu, đảm bảo sự lưu thông
của dòng máu.
Rối loạn chức năng nội mô hệ vi mạch vành làm tăng tính kích thích gây co
thắt vành, ảnh hưởng đến các tiểu động mạch và mao mạch nằm trong cơ tim. Đó
chính là lý do mà nhiều người chụp cắt lớp thấy mạch vành “trơn láng” không bị
xơ vữa nhưng vẫn bị đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.
Bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp, hội chứng rối loạn chuyển hóa, hút
thuốc lá, ít tập thể dục hoặc thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng quá mức
(stress) được cho là yếu tố thuận lợi cho bệnh vi mạch vành tiến triển.
3. Xuất hiện huyết khối trong lòng mạch
Phần lớn huyết khối trong lòng mạch vành là do mảng xơ vữa bị nứt vỡ tạo ra
các cục máu đông gây cản trở dòng máu đi qua động mạch vành tới nuôi tim. Huyết
khối là thủ phạm chính gây ra cơn đau thắt ngực không ổn định và cơn nhồi máu
cơ tim (hội chứng mạch vành cấp).
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim?
Một số yếu tố nguy cơ có khả năng gây đau thắt ngực, dẫn đến bệnh thiếu máu
cơ tim gồm:
- Hút thuốc lá: Là nguyên nhân gây xơ cứng thành động mạch, tăng nguy cơ hình thành
cục máu đông, dẫn tới thiếu máu cơ tim.
- Bệnh cao huyết áp: Nếu huyết áp tăng quá cao trong một thời gian dài
có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, làm tổn thương các động mạch vành, giảm lượng
máu nuôi tim gây thiếu máu cơ tim.
- Bệnh tiểu đường: Có khả năng gây ra nhiều vấn đề về tim như thiếu máu cơ tim, nhồi máu
cơ tim.
- Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể quá nặng có thể gây bệnh tiểu
đường, tăng huyết áp và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim.
- Lười vận động: Thiếu hoạt động thể chất, lười luyện tập thể thao cũng làm tăng nguy
cơ thiếu máu cục bộ cơ tim.
- Nguyên nhân khác: Vận động gắng sức, nhiệt độ quá lạnh, tâm lý căng thẳng kéo dài, sử
dụng cocain.
Giải pháp cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim?
Ngoài việc sử dụng các thuốc điều trị hay can thiệp phẫu thuật thì cách duy
nhất để cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim, đó là cùng lúc người bệnh cần
kết hợp nhiều biện pháp để thay đổi lối sống, từ bỏ thói quen có hại và kiểm
soát được các yếu tố nguy cơ. Cụ thể:
- Bỏ hút thuốc lá vì chất nicotin trong khói thuốc gây co thắt vành, xơ vữa
mạch vành.
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì vì nếu bị thừa cân tim sẽ phải làm việc
nhiều hơn, dễ dẫn đến suy tim và các bệnh lý tiềm ẩn khác;
- Có chế độ ăn uống khoa học, giảm muối và giảm cholesterol vì chúng làm
tăng nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Đồng thời nên tăng cường ăn rau
xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả hạch vì chúng chứa nhiều
chất xơ hòa tan, chống oxy hóa, làm giảm tình trạng viêm.
- Giảm căng thẳng thần kinh để giảm nhu cầu oxy của cơ tim, ức chế quá trình
kích hoạt các yếu tố gây viêm trong lòng mạch. Đồng thời, tâm trạng thoải mái cũng
giúp mạch máu được thư giãn, giảm tình trạng co thắt vành, cải thiện tuần hoàn
mạch vành.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, lựa chọn các bài tập phù hợp với
sức khỏe để cải thiện lưu thông máu, giảm hình thành cục máu đông, giúp tăng
cường chức năng tim.
- Kiểm tra các chỉ số huyết áp, cholesterol máu và đường huyết thường xuyên
để kịp thời can thiệp điều trị nếu có dấu hiệu bất thường.
Ths.Bs Võ Văn Thắng - Trưởng Khoa Nội Tim mạch
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch của Bộ y tế