Chủ đề sức khỏe số 8: CẢI THIỆN CHỨC NĂNG HÔ HẤP Ở BỆNH NHÂN DI CHỨNG HẬU COVID-19

Thứ năm Ngày 07 Tháng 04 2022 09:19:50 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

Theo HCDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành Phố Hồ Chí Minh). Hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Virus SARS-CoV-2 tấn công vào tất cả các cơ quan của cơ thể ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, giai đoạn hậu Covid-19 có thể do di chứng tổn thương của đa cơ quan, nên hay gặp ở những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sau khi khỏi Covid-19 như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, stress, mất mùi và khứu giác vẫn còn… nhưng triệu chứng trên hệ hô hấp là chủ yếu.

Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội

Dưới đây là phương pháp thở của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là sự kết hợp giữa dưỡng sinh và khí công nhằm tăng thông khí phổi, hồi phục chức năng hô hấp giúp người bệnh cải thiện cảm giác hụt hơi, khó thở kéo dài hậu covid:

Thở khi ngồi: Thở 4 thì bằng nhau:

Thì 1: Hít vào từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được, đồng thời phình bụng ra.

Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào.

Thì 3:Thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1

Thì 4: Nín thở, thời gian bằng thì 1. Lúc mới tập, người tập có thể đếm 1, 2, 3, 4, 5 ở mỗi thì. Sau tăng thời gian lên bằng cách đếm đến 7, 8, 9, 10.

 

     Phương pháp tập thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Cái khó của phương pháp này là phải hít vào đến mức tối đa, lại nín thở kéo dài, sau đó mới thở ra từ từ, ít người tập có đủ sức nín thở lâu như thế mà cơ bắp vẫn thả lỏng, nét mặt bình thản thoải mái. Người tập cần tập từ từ, nâng dần thời gian mỗi thì thở lên đến mức tối đa.

Thở khi đi bộ:

Phương pháp này kết hợp giữa tập thở với đi bộ, thích hợp cho người cao tuổi. Đây là phương pháp vừa đơn giản vừa phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người cao tuổi. Trong khi đi bộ, kết hợp với thở bụng êm dịu và sâu theo công thức: 4 bước hít vào, nhớ phình bụng ra – 2 bước ngừng thở – tiếp theo 8 bước thở ra, thót bụng lại.

Đi nhanh hay chậm, quãng đường ngắn hay dài tùy khả năng sức khỏe mỗi người. Việc tập luyện sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khi đi bộ ở nơi thoáng khí, trong lành, người tập có tinh thần thư thái, thoải mái.

Những người hậu COVID-19 khi hụt hơi, khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương. Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex. Mệt mỏi thì nên cố gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý… Và đi khám nếu vẫn còn tình trạng: Khó thở tăng dần, ho đàm vàng, tức nặng ngực, giảm oxy máu (SpO2 < 95%).

BS. Nguyễn Thị Thùy - Khoa YDCT


Tài liệu tham khảo:

1.      Bộ y tế: https://covid19.gov.vn

2.      Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM: https://hcdc.vn

3.      https://thaythuocvietnam.vn

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432