CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG DÀNH CHO BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?

Thứ sáu Ngày 25 Tháng 11 2022 19:21:18 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

1.     Suy thận

Thận là cơ quan nằm sau lưng dưới cùng của khung xương sườn, nằm hai bên cột sống, có chức năng bài tiết các chất dư thừa từ sự chuyển hóa của cơ thể, bảo tồn hay loại thải các tạp chất khác ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Ngoài ra, thận còn điều chỉnh nồng độ pH, muối và kali trong cơ thể, tạo ra các hormone điều chỉnh huyết áp và kiểm soát việc sản xuất các tế bào hồng cầu. 

Thận cũng chịu trách nhiệm kích hoạt một dạng vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi để xây dựng xương và điều chỉnh chức năng cơ.

Khi thận bị sỏi, quá trình nhiễm trùng, ứ nước lâu ngày sẽ huỷ hoại dần dần chủ mô thận. Cả hai quả thận có khoảng chừng một triệu đơn vị vi thận. Trong suốt quá trình thận hoạt động, luôn luôn có một số đơn vị thận chết đi qua thời gian mà không bao giờ có hiện tượng tái sinh cả. Nếu vắng khoảng 50 % số đơn vị thận, người ta vẫn có thể sống một cách bình thường. Nhưng nếu vắng đến 25 %, tình trạng suy thận sẽ xuất hiện. Lúc đó, người bệnh sẽ phải cần đến các biện pháp rất tốn kém để duy trì sinh mạng như chạy thận nhân tạo hay ghép thận. 

2.     Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với bệnh nhân suy thận

Dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh hết sức quan trọng, đặc biệt với bệnh nhân suy thận. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, giúp duy trì sức khỏe của thận, hoạt động thải lọc của thận được điều hòa, hỗ trợ sản xuất ra các hormon khác cho cơ thể hoạt động tốt. Từ đó, làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, kéo dài thời gian không phải chạy thận nhân tạo.

Khi thận của bạn hoạt động không tốt như bình thường, chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể bạn. Theo thời gian, chất thải và chất lỏng dư thừa có thể gây ra các vấn đề về tim, xương và sức khỏe khác. 

Xây dựng chế độ ăn cho người bệnh suy thận cần khoa học, tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Chế độ ăn cho người suy thận nghiêm ngặt tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nắm vững những nguyên tắc cơ bản sau: cung cấp đầy đủ năng lượng nhưng cần giảm lượng protein, giảm chất béo còn khoảng 20% năng lượng; giảm muối, giảm phốt pho; tăng canxi; ăn uống đủ các nhóm chất vitamin B, vitamin E và uống đủ nước.

3.     Chế độ dinh dưỡng người bệnh Suy thận




Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng 

Người bệnh suy thận nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh và kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày. Việc cân đối năng lượng một ngày quan trọng trong kế hoạch ăn uống của người bệnh thận. Nên ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày có thể tiêu hoá tốt, ngược lại nếu ăn quá nhanh, bạn có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết, dẫn đến dư thừa năng lượng khiến thận phải hoạt động nhiều hơn. 

Có thể cân đo thực phẩm trước khi chế biến, nấu nướng để biết lượng tổng lượng calo nạp vào mỗi bữa, xem thông tin dinh dưỡng trên thực phẩm, nhiều sản phẩm sẽ để hàm lượng dinh dưỡng các chất cho người tiêu dùng theo dõi. Người bệnh suy thận nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để biết cân đối thực phẩm, các mẹo về cách đo khẩu phần phù hợp, số lượng ăn uống mỗi ngày. 

-         Cắt natri

Natri (muối) là một khoáng chất có trong hầu hết các loại thực phẩm. Việc ăn quá nhiều natri có thể khiến bạn khát nước, dẫn đến sưng tấy và tăng huyết áp. Điều này có thể làm tổn thương thận nhiều hơn và làm cho tim hoạt động liên tục. Một trong những điều tốt nhất cho người bệnh suy thận là hạn chế lượng natri ăn vào. 

Chế độ ăn của người suy thận mạn nên hạn chế natri bằng cách: không thêm muối vào thức ăn khi chế biến, có thể thử kết hợp với các loại thảo mộc tươi, nước cốt chanh hoặc các loại gia vị không có muối khác… 

Cẩn trọng khi lựa chọn thức ăn, nếu được nên hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp như thịt hộp, rau củ hộp… Bởi các thực phẩm chế biến sẵn chứa hàm lượng muối khá cao, có thể gây nguy hiểm cho người suy thận. Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, người suy thận cấp chỉ nên sử dụng dưới 5g muối ăn/ngày tùy theo mức độ phù và tăng huyết áp; không nên ăn các loại thực phẩm như dưa cải muối, cà muối, đồ khô, cá khô… Thay vào đó, nên ăn các loại rau củ quả tươi, sạch, tốt cho sức khoẻ hơn.

-         Hạn chế Phốt pho và Canxi

Phốt pho là một khoáng chất có trong hầu hết các loại thực phẩm, cùng với canxi và vitamin D để giữ cho xương của bạn khỏe mạnh. Khi thận khỏe mạnh giữ lượng phốt pho phù hợp trong cơ thể của bạn. Nhưng khi bị suy thận, thận không hoạt động tốt, phốt pho có thể tích tụ nhiều trong máu, dẫn đến dư nhiều phốt pho gây cường giáp, loãng xương và dễ gãy, xơ vữa hoặc rối loạn  mạch máu, khô da gây ngứa, đỏ mắt… 

Bệnh nhân suy thận cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều phốt pho, chỉ dùng trong khoảng từ 300 – 600mg/ngày. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận, bác sĩ cũng có thể kê đơn một loại thuốc gọi là chất kết dính phốt phát, giúp giữ cho phốt pho không tích tụ trong máu. Do đó, người suy thận cần theo dõi lượng phốt pho ăn ăn hàng ngày., tránh ăn các thực phẩm có chứa nhiều phốt pho như phô mai, sữa, lòng đỏ trứng, các loại rau quả khô, ngũ cốc nguyên cám, cola sẫm màu, cá mòi, hàu… 

-         Giảm lượng kali hấp thụ

Nồng độ kali trong máu của người bệnh suy thận cần được giữ ở mức bình thường. Vì nếu nồng độ kali trong máu tăng lên lên có khả năng gây ra những vấn đề nguy hiểm cho tim mạch, cơ bắp, thậm chí là nguy cơ tử vong. Nên tránh ăn các loại trái cây, rau củ quả giàu kali như chuối, rau dền, dưa, cam, khoai tây,…, thay thế bằng các loại thực phẩm chứa lượng kali thấp như táo, dâu, việt quất, mâm xôi, thơm, súp lơ, bắp cải, khoai tây, rau chân vịt, ớt… Nếu suy thận ở giai đoạn 3 – 4, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng một loại thuốc đặc biệt, gọi là chất kết dính kali để giúp cơ thể thải thêm kali ra ngoài. 

-         Chế độ ăn DASH 

Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) là một phương pháp ăn uống khoa học dành cho những người muốn phòng ngừa hoặc đang điều trị tăng huyết áp, giảm thiểu rủi ro các bệnh lý tim mạch. Đây cũng được xem là chế độ ăn kiêng phù hợp cho người bệnh suy thận, với các bệnh lý liên quan. Tuỳ vào giai đoạn suy thận, mà lựa chọn chế độ ăn DASH cho phù hợp, quan trọng cần cắt giảm lượng natri sử dụng trong ngày xuống mức dưới 1500mg/ngày. Nên ăn nhiều trái cây, rau và thực phẩm từ sữa ít béo; cắt giảm thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa. Một số thực phẩm ưu tiên như ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm và các loại hạt. Ăn nhạt, không dùng đồ uống có nước và thịt đỏ. 


-         Uống đủ nước

Cơ thể con người cần nước, nhưng khi bị bệnh suy thận không nên uống quá nhiều nước. Bởi do thận bị tổn thương không thể thải thêm chất lỏng ra ngoài như bình thường. Quá nhiều chất lỏng trong cơ thể có thể gây nguy hiểm, khó kiểm soát huyết áp, sưng tấy và suy tim. Nước bổ sung dư thừa cũng có thể tích tụ xung quanh phổi và khiến người bệnh khó thở. Bệnh nhân suy thận nếu uống nhiều nước cũng sẽ đi tiểu nhiều hơn, gây mất ngủ. 

Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận và cách điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu hạn chế uống nước  hoặc cắt giảm lượng nước uống vào mỗi ngày. Có thể giảm lượng nước bằng cách hạn chế ăn các món canh, súp, kem, đá, thạch rau câu… Nên uống nước từng ngụm, từng cốc nhỏ để kiểm soát tốt được lượng nước nạp vào cơ thể.

-         Protein

Protein là một trong những thành phần cấu tạo nên cơ thể, rất quan trọng, giúp cơ thể phát triển, tái tạo và khỏe mạnh. Thiếu hụt protein có thể khiến da, tóc và móng tay bị yếu, ngược lại dư thừa cũng không tốt.

Giảm đạm phụ thuộc vào số lần lọc máu/tuần. Bệnh nhân chạy thận 1 lần/tuần, số lượng đạm là 1g/kg cân nặng khô/ngày. Bệnh nhân chạy thận 2 lần/tuần, số lượng đạm là 1,2 g/kg cân nặng khô/ngày. Bệnh nhân chạy thận 3 lần/tuần, số lượng đạm là 1,4g/kg cân nặng khô/ngày. (3)

Chế độ ăn cho người bệnh suy thận cấp, cần đảm bảo lượng protein dưới mức 0,6g/kg cân nặng/ngày, trung bình dưới 33g/ngày. Còn trong chế độ ăn cho người bệnh suy thận mạn, protein từ 0,6 – 0,8 g/kg cân nặng/ngày tương đương lượng protein dưới 44g/ngày. Lưu ý, lượng protein nạp vào tùy thuộc vào kích thước cơ thể, mức độ hoạt động và mức độ bệnh lý. Người bệnh thận có nếu ăn quá nhiều chất đạm sẽ khiến thận làm việc nhiều hơn và gây ra nhiều tổn thương hơn. Tuy giảm lượng protein nhưng vẫn cần cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, nếu thiếu hụt cơ thể sẽ lấy protein từ cơ bắp, sinh ra chất thải nitơ làm tăng gánh nặng cho thận nhiều hơn. Có thể thay thế đạm động vật bằng các loại đạm thực vật như đậu nành, đậu xanh… 

-         Chất béo

Thức ăn nhanh, hay nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào sẽ chứa nhiều đạm, nhiều dầu sẽ gia tăng lượng muối vào cơ thể. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo khiến thận quá tải và làm tình trạng bệnh tiến triển xấu hơn, khiến tăng cân và mắc các bệnh lý tim mạch. Nên chế biến thức ăn dạng luộc, hấp tốt cho sức khỏe.

Có thể thay thế bằng cách sử dụng chất béo lành mạnh, còn gọi là chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol như dầu oliu, dầu ngô… Hạn chế ăn các loại chất béo xấu như mỡ lợn, thịt heo, da gà… để tránh làm tổn thương thận thêm nữa. 


-         Gợi ý thực đơn cho người suy thận

Dinh dưỡng đúng cách có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, bảo tồn chức năng của các đơn vị thận, hạn chế ảnh hưởng đến các cơ quan khác, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh thận tiến triển, người bệnh thường mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến tình trạng ăn uống kém và sụt cân nhanh chóng. Do đó, chế độ ăn người bệnh suy thận rất cần sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng để bảo vệ thận và sức khỏe.

  • Người suy thận nên lựa chọn các món ít đạm như gạo trắng, bột sắn dây, miến, khoai lang, bún, hủ tiếu, phở,…
  • Suy thận kèm theo bệnh lý tiểu đường nên chọn thực phẩm ít đường như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang,…
  • Ăn uống đa dạng, đầy đủ và đúng liều chất đạm, có thể lựa chọn thay thế đạm động vật (thịt heo, thịt bò, gà, cá… ) bằng các loại đạm thực vật dễ tiêu hoá, calo thấp… Lưu ý nếu bệnh nhân suy thận có kèm rối loạn mỡ máu, nên hạn chế ăn trứng gà, thịt đỏ… 
  • Bổ sung canxi với các loại sữa ít đường hoặc không đường.
  • Bệnh nhân suy thận chưa chạy thận nhân tạo, có thể sử dụng thay thế bằng dầu thực vật như dầu mè, đậu nành, oliu,… để bổ sung chất béo.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin qua rau xanh, trái cây… Có thể chọn các loại trái cây có màu xanh, đỏ, vàng, tím ở giai đoạn suy thận cấp. 
  • Nếu bệnh suy thận mạn, kèm tiểu đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp như táo tây, cam, quýt, bưởi…, nhưng cần lưu ý hàm lượng kali trong từng loại thực phẩm. 
  • Có thể bổ sung thêm chất sắt, axit folic… theo yêu cầu của bác sĩ.
  • Không nên sử dụng chất kích thích, rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt, cà phê…, để tránh gây thêm gánh nặng cho thận. 

Tham khảo thực đơn 1 ngày dành cho chế độ ăn của người suy thận mạn trước khi lọc thận (có cân nặng 60kg). Nhu cầu năng lượng được tính như sau: 60 x 35kcal/kg = 2100 kcal, tỷ lệ protein 10%, lipid 25%, tinh bột 65%. Thực đơn một bữa gợi ý ăn gồm: 

  • Bữa sáng:
    • Miến thịt heo: 60g miến, 50g thịt heo.
  • Bữa trưa: 
    • Cơm gạo tẻ: 100g (gạo 50g) tương đương với một bát cơm
    • Gà kho gừng: thịt nạc gà 50g, gừng 2g
    • Canh cải xanh: Cải xanh 50g
    • Dầu ăn: 5ml
    • Muối: < 3g
    • Táo: 150g
    • Nước lọc: 1 cốc nước 100ml 
  • Bữa xế (bữa phụ):
    • Xoài: 100g
  • Bữa tối:
    • Súp bí đỏ, gồm bí đỏ 100g.

“Việc điều trị suy thận được tiến hành theo 2 hướng: điều trị bảo tồn, kết hợp chế độ dinh dưỡng cùng dùng thuốc và điều trị thay thế (thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, ghép thận). Tùy theo giai đoạn của suy thận (cấp hay mạn tính), độ tuổi của bệnh nhân mà có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Những gì bạn ăn uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ. Cần giữ cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống cân bằng, ít muối và chất béo, hạn chế thực phẩm có chứa nhiều kali, phốt pho, protein trong chế độ ăn, kiểm soát huyết áp. Nếu có kèm theo bệnh lý tiểu đường, cần kiểm soát lượng đường trong máu. Kiểm soát huyết áp cao và bệnh tiểu đường tốt có thể giúp ngăn ngừa bệnh suy thận tiến triển nặng hơn. Người bệnh nên nghỉ ngơi, kết hợp tập luyện nhẹ nhàng, hợp lý để tránh mất sức và ngủ đủ giấc, thói quen tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh suy thận”. 

Bs. Nguyễn Quang Anh Tuấn – T3G

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432