DINH DƯỠNG DÀNH CHO BỆNH NHÂN SUY GIÃN TĨNH MẠCH

Thứ tư Ngày 01 Tháng 03 2023 23:58:45 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

DINH DƯỠNG DÀNH CHO BỆNH NHÂN SUY GIÃN TĨNH MẠCH

Chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc cải thiện suy giãn tĩnh mạch, đây là một tình trạng bệnh lý rất hay gặp phải nhất là ở những người cao tuổi. Nó ảnh hưởng nhiều tới hoạt động và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng đặc biệt là ở những người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Sau đây hãy cùng tìm hiểu chế độ ăn tốt nhất cho người bị suy giãn tĩnh mạch.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với bệnh suy giãn tĩnh mạch

Chế độ ăn hợp lý nhằm cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng là một phần không thể thiếu đối với quá trình điều trị bất kỳ bệnh lý nào. Dù đang mắc bệnh nhẹ hay nặng, chế độ ăn có liên quan nhiều tới sức đề kháng của chúng ta, giúp phòng ngừa và điều trị một số bệnh lý. Nó đặc biệt quan trọng ở những đối tượng bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay suy giãn tĩnh mạch. Bên cạnh đó, chế độ ăn phù hợp còn giúp ngăn ngừa các bệnh lý tiến triển thành mạn tính.

Thừa cân hay béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Do đó, duy trì một chế độ ăn khoa học, hợp lý cũng góp phần ngăn ngừa cũng như điều trị tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Ngoải chế độ ăn, bạn cũng nên có cho mình một lối sống lành mạnh, phù hợp để tăng hiệu quả điều trị suy giãn tĩnh mạch. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, mặc quần áo thoải mái, hạn chế mang vác quá nặng là những thói quen tốt mà bạn cần tuân theo.

2. Chế độ ăn cho người bị giãn tĩnh mạch

2.1. Chế độ ăn nhiều chất xơ

Những người thiếu hụt lượng chất xơ trong chế độ ăn của mình dễ dẫn tới tình trạng táo bón. Khi triệu chứng này kéo dài, nó có thể làm tiến triển bệnh trĩ ở bạn, là một bệnh lý do suy giãn tĩnh mạch rất phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, nó còn làm tăng nguy cơ mắc phải suy giãn tĩnh mạch chân. Tình trạng này có thể giải thích do hiện tượng đầy hơi, chướng bụng ở dạ dày và làm tăng áp lực tác động lên chi dưới. Ngoài ra, việc bị táo bón còn khiến cơ bụng, cơ chân phải làm việc nặng hơn khi đi tiêu.

Chế độ ăn có bổ sung chất xơ sẽ giúp bạn cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, nhuận tràng và giải quyết táo bón hiệu quả. Từ đây, nó sẽ giúp bạn tránh gặp phải tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân. Những người bị suy giãn tĩnh mạch chân hay có nguy cơ nên bổ sung các loại rau, củ quả hay ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn của mình. Một số loại thực phẩm bao gồm hạt chia, các loại đậu, cà rốt, đậu bắp, hạt lanh, súp lơ, gạo lứt, yến mạch, chuối, bơ, lê, đu đủ,…

 

Chế độ ăn nhiều chất xơ tốt cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở bạn

2.2. Ăn nhiều hạt chia, kiều mạch

Hạt chia là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt là chất xơ, axit béo omega-3. Đây là những hoạt chất cần thiết cho sức khỏe của các tĩnh mạch. Sử dụng hạt chia trong các món salad, uống cùng nước ấm hoặc ngũ cốc vừa giúp tăng hương vị vừa tốt cho sức khỏe của bạn.

Kiều mạch chứa nhiều dinh dưỡng hơn cả yến mạch hay gạo thông thường. Nó là một loại ngũ cốc có nhiều chất chống oxy hóa. Do đó, nó có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe mạch máu, tăng lưu thông máu và tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, kiều mạch còn có chứa nhiều rutin, các protein và chất xơ rất tốt cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Nấu cháo bằng kiều mạch hay sử dụng nó thay thế cho bột mì có thể làm phong phú thực đơn ăn uống của bạn hơn.

2.3. Bổ sung vitamin E và C

Các loại vitamin là rất cần thiết cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Một số loại vitamin còn giúp phòng ngừa và tăng hiệu quả điều trị một số bệnh, thậm chí là suy giãn tĩnh mạch. Vitamin E, C là hai chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, tiêu diệt các gốc tự do trong cơ thể một cách hiệu quả.

Do đó, nó có khả năng chống lại các tình trạng viêm nhiễm và tăng sức đề kháng của cơ thể. Các thực phẩm giàu vitamin C mà bạn nên bổ sung vào thực đơn bao gồm cam, bưởi, quýt, ớt chuông, rau cải, dâu tây, đu đủ,… Để bổ sung vitamin E, bạn có thể sử dụng hạnh nhân, hạt dẻ, cải xanh, dầu thực vật,…

Vitamin C là một chất có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, elastin. Hai chất này có công dụng trong việc duy trì tình đàn hồi và sự bền vững của thành tĩnh mạch. Vitamin E có thể giúp ngăn ngừa quá trình hình thành cục máu đông bên trong mạch máu, giúp làm loãng máu một cách tự nhiên. Do đó, nó có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Bổ sung vitamin E và C vào trong thực đơn là một cách có thể giúp bạn cải thiện khả năng lưu thông máu, giảm nhanh các triệu chứng của tình trạng giãn tĩnh mạch.

 

Vitamins là dưỡng chất cần thiết cho cơ thể

2.4. Các hoạt chất nhóm flavonoid

Các hoạt chất thuộc nhóm flavonoid đã được nghiên cứu là có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu vitamin C. Vitamin C rất cần thiết cho việc tái tạo mô, giảm tình trạng viêm cũng như sản xuất collagen, các protein cần thiết cho cơ, mạch máu. Từ đó ngăn ngừa cũng như giảm triệu chứng suy giãn tĩnh mạch. Một số thực phẩm chứa nhiều các flavonoid như việt quất, trà xanh, bông cải xanh, các loại hạt, sô cô la,…

Bên cạnh đó, trong nhóm flavonoid còn có một hoạt chất rất quan trọng đối với tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Rutin là hoạt chất có thể được chiết xuất từ cây hoa hòe. Nó là một loại vitamin P đóng vai trò trong sức chịu đựng của các mao mạch và hỗ trợ làm bền thành mạch. Việc thiếu rutin có thể khiến giảm khả năng chịu đựng của các mao mạch và khiến chúng bị vỡ, đứt. Một số thực phẩm bạn nên sử dụng như hoa hòe, lúa mạch, kiều mạch, tam giác mạch, măng tây, hạt dẻ ngựa,…

 

Rutin làm tăng sức bền của thành mạch máu

2.5. Các thực phẩm chứa nhiều magie

Magie là một khoáng chất thiết yếu đối với cơ thể, nhất là quá trình tổng hợp máu. Việc thiếu magie trong chế độ ăn sẽ gây ra nhiều vấn đề liên quan tới huyết áp, tê thấp hay thậm chí là suy giãn tĩnh mạch. Để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề này, bạn cần bổ sung nhiều thực phẩm chứa magie như bơ, chuối, rau lá xanh, khoai lang, rau cải,… Bên cạnh đó, uống nhiều nước cũng rất tốt cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch của bạn. Nó rất cần thiết cho cơ thể và giúp tăng cường quá trình trao đổi chất.

2.6. Người bị suy giãn tĩnh mạch cần hạn chế gì?

Đường và tinh bột là những chất là những người bị suy giãn tĩnh mạch cần hạn chế ăn. Những thực phẩm này có thể làm giảm hoạt động của các chất có công dụng chống oxy hóa, từ đó đẩy nhanh quá trình lão hóa ở cơ thể chúng ta. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều đường, tinh bột có thể khiến chúng ta bị béo phì, gan nhiễm mỡ, làm tăng nồng độ axit uric hay gây ra viêm thận.

Việc tỉ lệ mỡ trong máu cao có thể gây nên tình trạng bám vào các mạch máu và giảm lưu thông. Khi đó làm giảm sức bền của thành mạch và làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

 

Người bị suy giãn tĩnh mạch cần hạn chế rượu bia và thuốc lá

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh sử dụng quá nhiều thực phẩm chiên, rán, đồ ăn sẵn nhiều dầu mỡ do có thể làm trầm trọng hơn tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Nó còn tác động nhiều tới cơ thể và gây ra bệnh mạch vành. Rượu bia hay thuốc lá cũng được coi là có ảnh hưởng xấu tới tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở chân và cần hạn chế. Đây là những chất kích thích có thể tác động xấu tới sức khỏe của chúng ta.

“Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch mang lại nhiều rắc rối và khó khăn đối với những người mắc phải. Có một chế độ ăn lành mạnh, phù hợp rất hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

BSCK1 Nguyễn Quang Anh Tuấn – T3G

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432