CHỦ ĐỀ SỨC KHỎE SỐ 43: ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DEGUE TẠI NHÀ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT
DEGUE TẠI NHÀ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp
tính với nhiều diễn biến phức tạp khôn lường. Hơn nữa, dịch sốt xuất huyết lại
đang bùng phát trên diện rộng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc điều trị bệnh
cũng cần hết sức được chú trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm. Với người
bệnh thể nhẹ, việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà cũng cần tuân thủ đúng hướng
dẫn của cán bộ y tế.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện
lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua
ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ
những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán
sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Không phải khi nào người bệnh bị sốt xuất huyết bác sĩ cũng yêu cầu nằm
viện để theo dõi và điều trị. Có những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ bệnh nhân
có thể được cho thuốc và tự theo dõi, điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Đôi khi
bác sĩ sẽ cho lịch hẹn tái khám để làm thêm các xét nghiệm cần thiết phục vụ
cho công tác thăm khám và điều trị.
Vậy người bệnh sốt xuất huyết như thế nào mới có thể được điều trị tại
nhà? Căn cứ trên phân loại mức độ bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, bệnh sốt xuất
huyết được chia thành 3 mức độ như sau:
1. Sốt
xuất huyết Dengue:
Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ
sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc
xảy ra để xử trí kịp thời.
2. Sốt
xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo:
Người bệnh được cho nhập viện điều trị.
3. Sốt
xuất huyết Dengue nặng:
Người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu.
A. Sốt xuất huyết Dengue
a)
Lâm sàng
Sốt cao đột ngột, liên tục từ
2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:
- Biểu hiện xuất huyết có thể
như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân
răng hoặc chảy máu cam.
- Nhức đầu, chán ăn, buồn
nôn.
- Da xung huyết, phát ban.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai
hố mắt.
b)
Cận lâm sàng
- Hematocrit bình thường
(không có biểu hiện cô đặc máu) hoặc tăng.
- Số lượng tiểu cầu bình
thường hoặc hơi giảm.
- Số lượng bạch cầu thường
giảm.
B. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu
cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).
Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue, kèm theo ít
nhất 1 trong các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác
đau vùng gan.
- Nôn ói nhiều
≥ 3 lần/1 giờ hoặc ≥ 4 lần/6 giờ.
- Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, mũi,
nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc có máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
- Gan to > 2cm dưới bờ sườn.
- Tiểu ít.
- Hct tăng kèm tiểu cầu giảm nhanh.
- AST/ALT ≥ 400U/L*.
- Tràn dịch màng phổi, màng bụng trên siêu âm hoặc
Xquang
C. Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị
cấp cứu).
Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:
a) Sốc sốt xuất huyết Dengue
- Suy tuần hoàn cấp, thưởng xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện
bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch
nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg) hoặc tụt
huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.
b) Xuất huyết nặng
- Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết
trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo
tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn
đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
c) Suy tạng nặng
- Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.
- Suy thận cấp.
- Rối loạn tri giác (Sốt xuất huyết thể não).
- Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.
Hướng dẫn cách chăm sóc
người bệnh Sốt xuất huyết Dengue tại nhà
1. Điều trị triệu chứng
- Nếu sốt cao ≥ 38,5°C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần
áo và lau mát bằng nước ấm.
- Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất,
liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.
- Chú ý:
+ Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ.
+ Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin,
ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
2. Bù dịch sớm bằng đường uống: Khuyến khích người bệnh
uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, ...) hoặc nước
cháo loãng với muối.
- Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô
la,...
- Lượng dịch khuyến cáo: uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến
khích uống nhiều.
3. Theo dõi
Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cho
nhập viện điều trị.
Người
bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù
sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết
âm đạo.
- Không tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú
lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
ThS.BS Lê Công Huýt – Trưởng khoa
Nhi
Nguồn tham khảo:
- Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Sốt
xuất huyết Dengue của Bộ Y tế