ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN BỊ UỐN VÁN NGUY KỊCH

Thứ hai Ngày 15 Tháng 07 2024 20:39:07 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN BỊ UỐN VÁN NGUY KỊCH

Vừa qua, khoa Hồi sức tích cực – chống độc bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận, điều trị thành công nam bệnh nhân N.C.T, 74 tuổi (Địa chỉ: Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam) nhập viện với chẩn đoán uốn ván mức độ nặng.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh khởi phát trước nhập viện 2 ngày với sốt, đau đầu, mệt, ăn uống kém nhập khoa Nội truyền nhiễm điều trị, sau đó chuyển khoa HSTC-CĐ trong tình trạng bệnh nhân gọi hỏi đáp ứng kém, cứng hàm, cứng cổ, co cứng nhóm cơ lưng, bụng, tăng trương lực cơ toàn thân, tăng phản xạ gân xương tứ chi, tăng phản xạ da bụng.

Bệnh nhân được nhận định chẩn đoán uốn ván và điều trị tại khoa HSTC-CĐ, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu và điều trị theo phác đồ của Bộ Y Tế: xử trí vết thương tại chỗ, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván SAT, kháng sinh chống vi khuẩn uốn ván, kiểm soát tình trạng tăng trương lực cơ và cơn co giật bằng thuốc an thần, giãn cơ, chống co giật, kiểm soát hô hấp bằng thở máy.

Qua 5 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, liều thuốc an thần giảm dần tương ứng với tình trạng tăng trương lực cơ giảm dần và cơn gồng cứng xuất hiện thưa dần. Hiện tại, sau 7 ngày điều trị, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn các cơn co cứng toàn thân, được ngưng an thần, cai thở máy, rút nội khí quản và rút sonde dạ dày, tập ăn lại đường miệng, dự kiến vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được chuyển khoa để có thể xuất viện.




Theo Bs.CKI Trương Công Niên: “uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Vì vậy, tiêm phòng uốn ván cho những người chưa tiêm phòng hoặc những người đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm nhắc lại sau 5-10 năm là việc cần thiết, đặc biệt là những người có nguy cơ cao”.

Đồng thời, khi bị vết thương, không chủ quan nghĩ rằng vết thương không nguy hiểm hoặc sơ cứu sai các dẫn đến tình trạng nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng. Nên rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài, tiếp theo tùy tình trạng vết thương mà sẽ có cách chăm sóc khác nhau và việc tiêm SAT tại thời điểm đó là cần thiết.

Bs Nguyễn Trường Khánh – HSTC-CĐ

 

                                                                                                                                

 

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432