Giun đũa dài 23 cm chui vào ống mật bé trai
Bé trai 12 tuổi, ở
huyện Đông Giang đột ngột đau bụng trên rốn, quặn dữ dội từng cơn, kèm buồn
nôn, mệt mỏi nhiều.
Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến huyện một ngày không
đỡ nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Ngày 16/11, bác sĩ Trần Kim Thương, Phó Khoa Nội tiêu hóa,
Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, cho biết: Xét nghiệm
máu, siêu âm ổ bụng phát hiện nhiều giun trong ruột bệnh nhân với hình thái
giống giun đũa, đặc biệt có hình ảnh giun chui ống mật. Bệnh nhi được chỉ định
nội soi dạ dày tá tràng.
"Ê kíp nội soi phát hiện một con giun đũa đang nằm lưng
chừng trong ống mật chủ và tá tràng với kích thước 0,4x23 cm", bác sĩ
Thương chia sẻ. Sau khi được gắp giun ra ngoài và chăm sóc điều trị, hiện sức
khỏe bé ổn định.
Theo bác sĩ Thương, giun đũa là một loài giun ký sinh trong
ruột non người, nhất là ở trẻ em. Giun đũa có thể gây nên những bệnh lý nghiêm
trọng như tắc ruột lồng ruột, tắc mật, nhiễm trùng đường mật, áp xe gan.... nếu
không được phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Hoàng, Khoa Nội tiêu hóa cho biết trong
những năm gần đây, tình trạng nhiễm giun xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi.
Người bị nhiễm giun đũa do ăn phải trứng có ấu trùng từ thực phẩm, chủ yếu là
rau không đảm bảo vệ sinh, nước bị nhiễm bẩn hoặc từ tay bẩn.
"Người dân nên ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh, sử dụng nguồn nước, thực phẩm, đặc biệt các loại rau đảm bảo vệ sinh, không dùng phân tươi để bón cho cây trồng, sổ giun định kỳ hai lần một năm", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.