HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2099/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 29 tháng
7 năm 2022 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG
DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Nghị định
số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn nghiệm thu
hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người được thành lập theo
Quyết định số 1953/QĐ-BYT ngày 15/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám,
chữa bệnh - Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.
Điều 2. Hướng dẫn chẩn đoán,
điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người áp dụng cho tất cả các cơ sở khám,
chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các Ông/Bà: Cục
trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; các
Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh
trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ
PHÒNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2022)
DANH SÁCH BAN BIÊN SOẠN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU
TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI”
Chỉ đạo biên soạn |
|
PGs.Ts. Nguyễn Trường Sơn |
Thứ trưởng Bộ Y tế |
Chủ biên |
|
Gs.Ts. Nguyễn Văn Kính |
Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám
đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Tham gia biên soạn |
|
Ts. Nguyễn Trọng Khoa |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh |
BsCKII. Nguyễn Trung Cấp |
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
BsCKII. Nguyễn Minh Tiến |
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh |
BsCKII. Trần Nam Quân |
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa |
Ths. Trương Lê Vân Ngọc |
Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Bảo vệ sức khỏe cán bộ
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh |
Ts. Vũ Ngọc Long |
Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng |
PGs.Ts. Đỗ Duy Cường |
Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai |
Ts. Nguyễn Văn Lâm |
Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương |
BsCKII. Nguyễn Xuân Hiền |
Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện đa khoa Trung ương
Huế |
Ts. Trần Văn Giang |
Phó Viện trưởng Viện đào tạo và nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới, Bệnh
viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
BsCKII. Nguyễn Thị Hồng Lan |
Trưởng khoa Nội B - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh |
Ts. Nguyễn Cơ Thạch |
Nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm các bệnh lây truyền từ động vật
sang người, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương |
Ths. Nguyễn Mai Hương |
Chuyên viên chính Vụ sức khỏe bà mẹ - Trẻ em |
Ths. Nguyễn Thu Ngọc |
Khoa Vi sinh miễn dịch - Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh |
BsCKII. Cao Đức Phương |
Chuyên viên chính phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Bảo vệ sức khỏe
cán bộ - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh |
BsNT. Bùi Thị Thúy |
Phó trưởng phòng KHTH, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Ths. Đỗ Thị Huyền Trang |
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh |
Thư ký biên soạn |
|
Ts. Trần Văn Giang |
Phó Viện trưởng Viện đào tạo và nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới, Bệnh
viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
BsCKII. Cao Đức Phương |
Chuyên viên chính phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Bảo vệ sức khỏe
cán bộ - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh |
BsNT. Bùi Thị Thúy |
Phó trưởng phòng KHTH, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Ths. Đỗ Thị Huyền Trang |
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh |
Nhóm chuyên gia tư vấn |
|
Bà Shilpa S. Iyer |
Chuyên gia về Laboratory, WHO tại Việt Nam |
Ông Vũ Quang Hiếu |
Cán bộ kỹ thuật, chương trình sức khỏe khẩn cấp, WHO tại Việt
Nam |
Ông Phùng Kim Quang |
Cán bộ kỹ thuật, chương trình sức khỏe khẩn cấp, WHO tại Việt
Nam |
Bà Carol Rao |
Acting Director - GHS/U.S CDC |
Bà Đỗ Thùy Trang |
Team lead of Surveillance and Response, U.S CDC |
Bà Đỗ Thị Thu Thủy |
Lab system strengthening team lead, U.S CDC |
HƯỚNG DẪN
CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ
PHÒNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI
(Ban hành theo quyết định số: 2099/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Bộ
trưởng Bộ Y tế)
Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm
cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc
từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp
xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn
đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có
các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi,
có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế
giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với
bệnh đậu mùa khỉ.
2.1. Các giai đoạn bệnh
Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày, (dao động từ 5 đến 21
ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính
là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện
đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Vi rút có thể lây sang người khác
từ giai đoạn này.
- Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban
trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:
+ Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều
trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ
quan sinh dục.
+ Tiến triển ban: tuần tự từ dát (tổn thương có
nền phẳng) -> đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) -> mụn nước (tổn
thương chứa đầy dịch trong) -> mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) ->
đóng vảy khô -> bong tróc và có thể để lại sẹo.
+ Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 -
1cm.
+ Số lượng tổn thương da trên một người có thể
từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên
kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
- Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có
thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm
sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây
nhiễm cho người khác.
2.2. Các thể lâm sàng
- Thể không triệu chứng: người nhiễm vi rút đậu
mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
- Thể nhẹ: các triệu chứng thường hết sau 2 đến
4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
- Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy
cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy
giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
+ Nhiễm khuẩn da: người bệnh có sốt kéo dài,
dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
+ Viêm phổi: người bệnh có các triệu chứng như
ho, tức ngực, khó thở.
+ Viêm não: ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn,
hôn mê.
+ Nhiễm khuẩn huyết: sốt kéo dài, tổn thương các
cơ quan phủ tạng.
2.3. Cận lâm sàng
2.3.1. Các xét nghiệm cơ bản
Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu thay đổi
không đặc hiệu:
- Số lượng bạch cầu trong máu có thể bình thường
hoặc tăng nhẹ; số lượng bạch cầu lympho thường giảm.
- Tốc độ máu lắng, protein C phản ứng (CRP), Procalcitonin
(PCT) bình thường hoặc tăng nhẹ.
- Một số trường hợp có thể tăng nhẹ ALT, AST,
CK.
- Trong các trường hợp diễn biến nặng có các
biểu hiện suy chức năng các cơ quan, rối loạn điện giải và toan kiềm làm thêm
các xét nghiệm sau tại các đơn vị có thể làm được:
+ Cấy máu, cấy dịch nốt phỏng tìm căn nguyên vi
khuẩn trong trường hợp nghi ngờ biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết...
+ Chụp X-quang ngực hay cắt lớp vi tính ngực
trong trường hợp có biến chứng viêm phổi, áp xe phổi...
+ Chụp CT sọ não hoặc MRI sọ não trong trường
hợp nghi ngờ có biến chứng viêm não...
2.3.2. Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên
Xét nghiệm sinh học phân tử (PCR hoặc tương
đương) với các bệnh phẩm dịch hầu họng (giai đoạn khởi phát), dịch nốt phỏng
(giai đoạn toàn phát) đối với ca bệnh nghi ngờ để xác định căn nguyên theo quy
định của Bộ Y tế.
2.4. Chẩn đoán
2.4.1. Ca bệnh nghi ngờ
- Là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ
sau
+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu
chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể,
thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan
hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ
cùng cá nhân của người bệnh;
+ Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu
hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng;
- Có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.
2.4.2. Ca bệnh xác định
Có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương
tính với vi rút đậu mùa khỉ.
2.5. Chẩn đoán phân biệt
Dựa trên triệu chứng sốt, phát ban và hạch to,
cần chẩn đoán phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh sau: (phụ lục 1)
- Đậu mùa (smallpox)
- Thủy đậu (chicken pox)
- Herpes lan tỏa
- Tay chân miệng
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi
ngờ/ xác định;
- Điều trị triệu chứng là chủ yếu;
- Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và
hỗ trợ tâm lý;
- Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường
hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm
miễn dịch,…) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt
Nam.
- Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các
tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Các biện pháp điều trị chung
- Cách ly tại cơ sở y tế các trường hợp nghi
ngờ/xác định theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
của Bộ Y tế.
- Cá thể hóa việc điều trị cho từng người bệnh.
3.2.2. Thể nhẹ
Điều trị triệu chứng như:
- Hạ sốt, giảm đau.
- Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng.
- Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.
- Cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng
nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở
buồng cách ly tại khoa hồi sức.
- Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định
3.2.3. Thể nặng
Cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức,
điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành
3.2.4. Thuốc điều trị đặc hiệu
- Chỉ định
+ Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết,
viêm phổi, viêm não…).
+ Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư,
đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao…).
+ Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.
+ Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
+ Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.
- Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của
Tổ chức Y tế thế giới (tham khảo phụ lục 2)
+ Tecovirimat
+ Cidofovir
+ Brincidofovir
+ Globulin miễn dịch tĩnh mạch
4. ĐIỀU TRA, BÁO CÁO CA BỆNH VÀ PHÂN TUYẾN ĐIỀU TRỊ
4.1. Điều tra, báo cáo ca bệnh
Thực hiện thông tin, báo
cáo theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế
hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và các văn bản
khác về thông tin, báo cáo dịch bệnh. Báo cáo ca bệnh xác định được gửi về Cục
Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng
định trường hợp bệnh nhiễm vi rút đậu mùa khỉ.
4.2. Phân tuyến điều trị
- Tại y tế xã/phường, quận/huyện: ca bệnh không
triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.
- Tuyến tỉnh, trung ương: ca bệnh nặng hoặc có
nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi,
bệnh nền, phụ nữ mang thai); ca bệnh có biến chứng nặng.
- Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi,
xem xét chuyển tuyến điều trị:
+ Giảm thị lực.
+ Giảm ý thức, hôn mê, co giật.
+ Suy hô hấp.
+ Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu.
+ Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc
nhiễm khuẩn.
4.3. Tiêu chuẩn xuất viện
- Người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày VÀ
- Người bệnh hết các triệu chứng về lâm sàng
(không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương cũ
đã đóng vẩy).
5.1. Phòng bệnh không đặc hiệu
Các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây
nhiễm đậu mùa khỉ bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị
bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu
mùa ở khỉ).
- Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ
nhiễm vi rút đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.
- Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung
dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/ động vật nghi ngờ nhiễm
bệnh.
- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm
sóc người bệnh.
- Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các
quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.
5.2. Phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc xin
Sử dụng vắc xin để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho
những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
5.3. Phòng lây nhiễm tại các cơ sở điều trị
Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly các trường
hợp bệnh nghi ngờ, có thể và xác định. Tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm
khuẩn, phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh và các
người bệnh khác tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT BỆNH
ĐẬU MÙA KHỈ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022)
Bệnh Đặc điểm |
Đậu mùa khỉ |
Đậu mùa |
Thủy đậu |
Tay chân miệng |
Herpes lan tỏa |
Phân bố của ban |
Ban xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn
chân Có thể gặp niêm mạc: mắt, miệng |
Ban theo trình tự: đầu tiên trên mặt, bàn tay và cẳng tay, sau
đó trên thân mình. |
Ban xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp
cơ thể |
Loét miệng Phát ban trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông |
Thường xuất hiện vùng niêm mạc miệng, sinh dục sau đó nhanh
chóng lan ra toàn thân |
Sự xuất hiện của ban |
Cùng lứa tuổi, xuất hiện cùng thời điểm Nốt phỏng nước đơn lẻ hoặc có thể tạo thành đám tổn thương trên
da |
Ban xuất hiện sau 2-3 ngày đầu |
Đa lứa tuổi, xuất hiện thời gian khác nhau |
Đa lứa tuổi Một số trường hợp phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng |
Cùng lứa tuổi Các mụn nước tập trung thành chùm, đau rát, nhanh chóng vỡ |
Tiến triển của ban |
Chậm |
Nhanh |
Nhanh |
Nhanh |
Nhanh |
Kích thước ban |
Trung bình từ 5-10 mm. |
|
Trung bình 5-10 mm |
Kích thước nhỏ đường kính 2-3 mm |
Kích thước nhỏ, 2-3 mm |
Thời gian tồn tại ban |
2-4 tuần |
2-3 tuần |
1-2 tuần |
Dưới 7 ngày |
Ban nhanh chóng vỡ, sau 3 - 4 ngày |
Biểu hiện khác |
Sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân |
Sốt, tiêu chảy, đau người, mệt mỏi |
Sốt, mệt mỏi |
Sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy |
Mệt mỏi, chán ăn, sưng hạch phụ cận |
Di chứng |
Có thể để lại sẹo rỗ |
Có thể để lại sẹo rỗ sâu |
Có thể để lại một sẹo lõm nông |
Có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm |
Có thể để lại vết thâm |
THUỐC KHÁNG VI RÚT CHO
BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022)
Liều |
Tecovirimat |
Brincidofvir |
Cidofovir |
Globulin miễn dịch đậu
mùa |
Người lớn |
- Đường uống: 600mg/lần x 2 lần/ ngày - Đường truyền: + 3 - < 35kg: 6mg/kg/lần x 2 lần/ ngày + 35kg - < 120kg: 200mg/lần x 2 lần/ ngày + Trên 120 kg: 300mg/ lần x 2 lần/ ngày + Lưu ý: Thời gian truyền trên 6 giờ |
- Đường uống: + < 10kg: 6mg/kg/tuần x 2 tuần + 10 - 48kg: 4mg/kg/tuần x 2 tuần + > 48kg: 200mg/tuần x 2 tuần |
- Truyền tĩnh mạch: 5mg/kg/tuần x 2 tuần - Sử dụng cùng với probenecid đường uống: + Uống 2g vào thời điểm 3 giờ trước truyền cidofovir + Uống 1g/lần sau truyền cidofovir được 2 giờ và 8 giờ + Truyền 1 lít natri clorid 0,9% vào 1-2 giờ trước mỗi liều
truyền cidofovir. |
Nếu được sử dụng, nên cân nhắc tính an toàn và hiệu quả cho
người bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế sẽ đưa ra khuyến cáo sau khi xem xét kết quả các thử
nghiệm lâm sàng của thế giới và Việt Nam. |
Trẻ em |
- Đường uống: + 13 - < 25kg: 200mg/lần x 2 lần/ngày + 25 - < 40kg: 400mg/lần x 2 lần/ngày + > 40kg: 600 mg/lần x 2 lần/ngày. - Đường truyền: + 3 - < 35kg: 6mg/kg/lần x 2 lần/ngày + 35 kg - < 120kg: 200mg/lần x 2 lần/ ngày + Trên 120kg: 300mg/ lần x 2 lần/ngày + Lưu ý: Thời gian truyền trên 6 giờ |
- Đường uống: + < 10kg: 6 mg/kg/tuần x 2 tuần + 10 - 48kg: 4 mg/kg/tuần x 2 tuần + > 48kg: 200mg/tuần x 2 tuần |
- Truyền tĩnh mạch: 5mg/kg/tuần x 2 tuần. - Sử dụng cùng với Probenecid đường uống: + Uống 2g vào thời điểm 3 giờ trước truyền cidofovir + Uống 1g/lần sau truyền cidofovir được 2 giờ và 8 giờ + Truyền 1 lít natri clorid 0,9% vào 1-2 giờ trước mỗi liều
truyền cidofovir |
|
Phụ nữ mang thai và cho con bú |
Không có dữ liệu |
Không khuyến cáo |
Chống chỉ định |
|
Dự phòng sau phơi nhiễm |
Không có dữ liệu |
Nguồn: World Health Organization, 2022: CLINICAL
MANAGEMENT AND INFECTION PREVENTION AND CONTROL FOR MONKEYPOX