Hưởng ứng ngày phòng chống thuốc lá 31 tháng 5
Một điếu thuốc lá chứa hơn 3000 chất hoá học trong đó có 20 chất đã được xác nhận là gây bệnh ung thư.
Năm 1825, nhà hoá học Thụy sĩ Picoto lần đầu tiên tìm ra chất nicotin trong khói thuốc lá. Chất này làm cho người hút thuốc lá nghiện và cũng làm cho người hút bị nhiễm độc mãn tính chuyển sang nhiễm độc cấp tính. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng chất nicotin trong một điếu thuốc lá đủ làm chết một con chuột, trong 20 điếu đủ làm chết một con bò. Trong một cuộc thi hút thuốc lá ở Pháp, một người dự thi đã hút liền 60 điếu thuốc lá và bị nhiễm độc chết ngay tại chỗ.
Năm 1954, các nhà khoa học đã tìm ra chất benzen trong khói thuốc lá và chứng minh được chất này gây ra bệnh ung thư. Năm 1974, các nhà khoa học lại tìm ra chất crizen và hợp chất của metyl với hàm lượng khá cao trong khói thuốc lá, gấp 5 lần chất benzen. Những chất này khiến động vật nhiễm phải đều mắc bệnh ung thư với tỷ lệ 100%. Năm 1977 các nhà khoa học lại tìm ra chất metyl hiđrazin gây bệnh ung thư, mỗi điếu thuốc lá chứa 0,15 miligam hoá chất này. Trong thuốc lá có chứa nhiều chất gây bệnh ung thư, vì vậy những người hút nhiều thuốc lá dễ bị ung thư phổi, ung thư gan, v.v.
Nam nữ thanh niên hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng xấu tới thế hệ sau, nhất là phụ nữ hút thuốc lá trong thời gian có thai dễ bị đẻ non, thai nhi nhẹ cân, thể chất giảm sút dễ sinh bệnh tật. Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng xấu đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến những người xung quanh tuy không hút thuốc cũng thành "hút" khói thuốc lá và dễ bị ung thư. Vì vậy, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng.
Bỏ thuốc lá đã trở thành một phong trào rộng rãi trên thế giới, dù là nước phát triển hay nước đang phát triển cũng đều quan tâm tới vấn đề này. Ðể thúc đẩy phong trào bỏ thuốc lá, thế giới đã chọn ngày 31 tháng 5 hàng năm làm "Ngày thế giới không hút thuốc lá".
Hàng năm, vào ngày 31 tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác cùng kỷ niệm Ngày Thế giới Không thuốc lá. Mục đích nhằm nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng thuốc lá.
Hưởng ứng ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5 năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy chủ đề "Ngày thế giới không hút thuốc lá" là "Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá" nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách và công chúng ở các nước hiểu rõ hơn về ngành công nhiệp thuốc lá, đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của thuốc lá đối với cộng đồng và có những biện pháp phù hợp.
Tại bệnh viện công tác phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai nhiều năm, các bảng cấm hút thuốc lá được dán khắp nơi, các tấm Pano được đặt ở mọi ngóc ngách khoa phòng trong bệnh viện và đã được SYT đưa vào tiêu chí chấm điểm thi đua cuối năm, nên việc hút thuốc có giảm đi đáng kể...
Quy định là vậy, nhưng nhìn chung, ý thức của nhiều người nghiện thuốc lá còn rất kém, nhiều người nhà, người bệnh vẫn “đốt thuốc” tại những điểm cấm mà không hề được nhân viên y tế nhắc nhở. Không những vậy, chính ý thức của một số cán bộ trong bệnh viện, kể cả lãnh đạo khoa phòng bệnh viện cũng chưa gương mẫu, vẫn còn ngang nhiên hút thuốc trong giờ làm việc, mặc dù đã có thông báo nghiêm cấm. Trong khuôn viên bệnh viện vẫn còn nhiều mẫu đầu thuốc lá vương vãi do người bệnh, người nhà, người đến thăm quá đông, dẫn đến khó kiểm soát tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện.
Bệnh viện cần có một số chương trình cụ thể, thiết thực và đồng bộ để hạn chế việc hút thuốc trong bệnh viện:
+ Truyền thông mạnh bằng nhiều hình thức
+ Có bộ phận kiểm tra, nhắc nhỡ người bệnh, người nhà người bệnh không được hút thuốc trong bệnh viện.
+ Tuyên truyền trong cán bộ viên chức bệnh viện, nhất là các lãnh đạo phải thuwch sự gương mẫu không hút thuốc, tổ chức hội thi về phòng chống thuốc lá trong bệnh viện, có thi đua khen thưởng...
BSCKII. Nguyễn Lương Tín