HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU: TRỊ LIỆU SINH HỌC CHO NGƯỜI CHƠI THỂ THAO

Thứ bảy Ngày 25 Tháng 02 2023 06:38:13 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU: TRỊ LIỆU SINH HỌC CHO NGƯỜI CHƠI THỂ THAO

 

 

Cách điều trị bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là liệu pháp tiêm tiểu cầu của chính người bệnh để đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương tại khớp và các phần mềm quanh khớp.

 

1.    Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là gì?

Máu chủ yếu là một chất lỏng gọi là huyết tương nhưng nó cũng chứa các thành phần rắn nhỏ: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Các tiểu cầu được biết đến nhiều nhất vì tầm quan trọng của chúng trong việc đông máu. Tuy nhiên, tiểu cầu cũng chứa hàng trăm protein được gọi là yếu tố tăng trưởng rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương.

Huyết tương giàu tiểu cầu hay tên viết tắt tiếng Anh là PRP (Platelet-rich Plasma), là một chế phẩm được tạo ra từ máu sau khi được tách và loại bỏ hồng cầu, bạch cầu và làm giàu nồng độ tiểu cầu lên nhiều lần (2-8 lần) so với nồng độ tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi.

2.    Tác dụng của tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào vùng tổn thương, các tế bào tiểu cầu nhờ đặc tính có thể phát hiện và bám vào nơi tổn thương sẽ tìm đến và tập trung tại vị trí thương tổn, sau đó tiết ra các yếu tố tăng trưởng và một số yếu tố khác sẽ kích thích các tế bào lành ở xung quanh nơi tổn thương phân chia và tham gia vào quá trình sửa chữa các thương tổn, giúp quá trình liền thương nhanh và ổn định hơn.

Nhờ tính hiệu quả, sẵn có, nguy cơ phản ứng dị ứng thấp so với các thuốc tiêm khác (vì được lấy từ chính người bệnh), huyết tương giàu tiểu cầu ngày càng được ứng dụng cho nhiều tình trạng bệnh lý từ đau cơ xương và chấn thương cho đến các thủ thuật thẩm mỹ (rụng tóc, trẻ hóa da)…

 

3.    Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị chấn thương thể thao

Trong thể thao đòi hỏi sức lực, tốc độ cao cũng như thường xuyên va chạm khiến tăng nguy cơ gặp các bệnh lý về gân, cơ, dây chằng, xương khớp do chấn thương quá tải. Đối với các môn đòi hỏi chạy, nhảy nhiều thường gặp viêm gân bánh chè, tổn thương dây chằng chéo vùng gối, viêm gân gót chân Achilles, viêm cân gan chân; đối với các môn sử dụng nhiều các cử động vùng cổ tay, khuỷu tay thường gặp viêm điểm bám gân vùng khuỷu (hội chứng Tennis - Golfer’ elbow). Đối với các môn thể thao cần hoạt động vai nhiều như bơi lội, bóng rổ, cầu lông thường gặp viêm gân cơ chóp xoay; cùng với các chấn thương đứt dây chằng, rách gân cơ, sụn khớp.  


Việc ứng dụng điều trị huyết tương giàu tiểu cầu có thể giúp rút ngắn thời gian hồi phục, giảm tỉ lệ tái phát, tăng khả năng quay lại vận động cường độ cao cho vận động viên.

BS. Phan Công Dũng– Khoa Nội tổng hợp 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432