KHOA NHI BỆNH VIỆN ĐKKVMN PHÍA BẮC QUẢNG NAM VỪA CẤP CỨU VÀ ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG MỘT BỆNH NHI HÔN MÊ – ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Chủ Nhật Ngày 09 Tháng 04 2023 07:23:40 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam


           Vào lúc 20h45 28/03/2023, Các Bác sĩ ca trực của khoa Nhi đã tiếp nhận một bệnh nhân từ khoa Cấp cứu. Bé trai V.T.V 13 tuổi, quê quán tại xã Đại Thạnh, huyên Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào viện vì hôn mê, chưa rõ bệnh cảnh lâm sàng.

Qua quá trình cấp cứu, khai thác thông tin từ người nhà; Mẹ cháu cho biết: “cháu mệt khoảng 1 tuần nay, sốt, đau bụng, có đi khám và dùng thuốc nhưng không đỡ, tối nay thấy cháu nằm, gọi hỏi không trả lời gì hết. Gần đây cháu có biểu hiện ăn uống nhiều, người khô ran”

Tại khoa Nhi, Các bác sĩ đã khám lâm sàng và đưa ra đánh giá: Trẻ hôn mê, sốt, mất nước nặng, không chấn thương, được đề nghị thực hiện khẩn các xét nghiệm cần thiết (Khí máu động mạch, đường máu, Lactac, nước tiểu….). Kết quả xét nghiệm Đường máu tĩnh mạch lúc đó rất cao: 39.5 mmol/L (mức bình thường 3,9-6,4 mmol/L)

           Nhận thấy đây có thể là trường hợp Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết/Nhiễm toan ceton trên nền đái tháo đường/Theo dõi nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Các Bác sĩ trực đã liên hệ với lãnh đạo khoa và mời Ths.BS Tô Anh Tuấn (Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu - Nội tiết) tham gia hội chẩn gấp. Qua hội chẩn, đã thống nhất với nhận định ban đầu và đưa ra phương án xử trí tiếp theo.

           Sau 1 giờ cấp cứu bù dịch, kháng sinh kết hợp insulin truyền tĩnh mạch, Cháu V dần hồi tỉnh, trả lời đúng họ tên, khỏe hơn. Đến 5/4, sau gần 07 ngày điều trị tại Phòng Hồi Sức Cấp Cứu -  Khoa Nhi, đường huyết của cháu tạm ổn định, hướng dẫn chế độ ăn và dùng thuốc đầy đủ, để chuẩn bị cho cháu xuất viện.

          

Cháu V.T.V  đang được theo dõi điều trị tại khoa Nhi

 

Đái Tháo Đường (ĐTĐ) là căn bệnh không còn quá xa lạ với chúng ta, ĐTĐ đã được Bộ Y Tế đưa vào quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, cho chúng ta thấy được mức độ phổ biến của căn bệnh này. Biểu hiện đặc trưng bởi hội chứng 4 “nhiều”: ăn nhiều – uống nhiều – tiểu nhiều – gầy sút nhiều.

           Theo BSCKII. ThS. Lê Công Huýt – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa KVMN Phía Bắc Quảng Nam: “Bệnh Đái Tháo Đường ở trẻ em tương tự như ở người lớn, nhưng các vấn đề tâm lý xã hội khác nhau và tuổi nhỏ có thể làm phức tạp vấn đề điều trị. Đái tháo đường Type 1 là loại phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm 2/3 số trường hợp mới mắc ở trẻ em của tất cả các nhóm dân tộc. Đái tháo đường type 2, hiếm gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay đã tăng lên cùng với sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em”.

           Ths.BS Tô Anh Tuấn – Trưởng khoa Nội thận – Tiết Niệu – Nội tiết còn cho biết thêm: “Chế độ ăn uống và hoạt động thể chất là cực kỳ quan trọng trong việc quản lý ABC (A1C ( HbA1c), Blood pressure ( Huyết Áp) và Cholesterol) của người bệnh đái tháo đường type 1. Để đạt được các mục tiêu về HbA1C và lượng đường trong máu, điều quan trọng là phải hiểu cách cân bằng lượng thức ăn nạp vào, hoạt động thể chất và insulin. Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh hàng ngày có cả tác dụng trước mắt và lâu dài. Với sự giáo dục, thực hành và hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ điều trị, người bệnh có thể ăn uống tốt và kiểm soát bệnh đái tháo đường”.

           Vậy khi trẻ có các biểu hiện trên nên đưa trẻ đi khám ở cơ sở uy tín để được phát hiện sớm và theo dõi trong quá trình điều trị, nhằm hạn chế và giảm thấp nhất những biến chứng xảy ra.

 

BS. Phan Đình Quốc Anh

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432