Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện ĐKKVMNPB Quảng Nam ghi nhân một trường hợp nuốt cung răng giả tháo lắp có móc cài vào dây thanh

Thứ hai Ngày 20 Tháng 02 2023 20:33:54 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam


          Bệnh nhân Phạm M, nam 59 tuổi, tiền sử chấn thương sọ não hơn 10 năm, đeo hàm giả >15 năm. Khuya ngày 20/2 vào viện vì lí do lúc đang ngủ thì vô tình nuốt cung răng giả. Bệnh nhân nuốt đau, nuốt khó nên vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi Bắc Quảng Nam.

          Ghi nhận tình trạng bệnh nhân tại viện: tỉnh táo, nuốt đau, ấn đau vùng cổ, không khó thở, cổ không sưng nề. Chụp Xquang cổ nghiêng thấy hình ảnh dị vật cản quang ngang mức cột sống cổ C4.


         Hình ảnh XQuang của bệnh nhân

              Nội soi hạ họng - thanh quản tại khoa Tai Mũi Họng ghi nhận dị vật cung răng giả tháo lắp vị trí hạ họng phía trên thanh môn ( khe tạo bởi 2 dây thanh). Đánh giá cung răng giả có ngàm móc vào dây thanh trái nên tiên lượng lấy dị vật khó khăn.

Bệnh nhân được nhịn ăn và chuyển phòng mổ ngay trong sáng hôm sau. Tiến hành tiền mê – tê tại chỗ vùng hạ họng tránh kích thích để soi treo thanh quản bộc lộ toàn bộ dị vật. Bác sĩ Tai mũi họng tháo cài cung răng giả móc vào dây thanh trái và lấy dị vật ra ngoài. Kiểm tra hạ họng thanh quản không thấy chảy máu, không tổn thương dây thanh. Sau lấy dị vật bệnh nhân hết nuốt đau, không khó thở, không khàn tiếng, nói chuyện bình thường.


Dị vật được lấy ra khỏi cổ họng của Bệnh nhân

Một số lưu ý:

Những tai nạn do răng giả rớt vô đường hô hấp, tiêu hoá… không còn là những trường hợp hy hữu mà đã khá phổ biến trong các ca cấp cứu dị vật đường thở. Răng giả thường rơi vào một trong hai bộ phận là khí quản hoặc thực quản. Trường hợp răng rơi vào khí quản sẽ khiến nạn nhân bị khó thở, suy hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong do suy hô hấp cấp. Còn nếu bị rơi vào thực quản có thể làm rách thực quản, dạ dày, gây chảy máu bộ phận tiêu hóa. Có trường hợp bị tử vong do răng giả làm chảy máu lòng thực quản.

Có nhiều nguyên nhân làm cho (cung) răng giả dễ trở thành dị vật đường ăn, đường thở như: ăn nhai các loại thực phẩm có độ bám dính cao; trước khi đi ngủ hay vệ sinh răng miệng không tháo cung răng giả; (cung) răng giả không bám tốt vào hàm miệng do tiêu xương, hao mòn vật liệu…

Nếu đã phát hiện nuốt/ hóc (cung) răng giả thì nên đến ngay bệnh viện gần nhất để được nội soi lấy dị vật ra càng sớm càng tốt khi chưa quá thời gian 6 tiếng. Còn nếu quá thời gian này thì nhiều khả năng răng giả đã đi xuống ruột, lúc này sẽ có phương pháp khác như X-quang bụng để xác định vị trí của dị vật và có thể phải phẫu thuật để xử lý.. Tránh tự lấy dị vật ở nhà vì sẽ gây khó khăn cho khâu chẩn đoán và xử trí lấy dị vật.

 

Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện ĐKKVMNPB Quảng Nam

 

         

 

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432