NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LUỴ KHI TRẺ BỊ BÉO PHÌ

Thứ hai Ngày 13 Tháng 03 2023 06:56:01 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam


Béo phì ở trẻ em không chỉ khiến trẻ ngừng tăng trưởng sớm mà còn làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, một số bệnh ung thư…

1. Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ


Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng béo phì ở trẻ, trong đó phải kể đến các yếu tố sau:

- Di truyền: Tình trạng trẻ béo phì có ảnh hưởng đến gia đình. Trẻ em có cha mẹ, anh chị em béo phì thì trẻ sẽ có nguy cơ béo phì. 

- Thói quen ăn uống: Nước uống có đường, thức ăn, nước uống có chứa nhiều chất béo và năng lượng cao. Ngoài ra, có một số cha mẹ hay cho trẻ ăn thêm vào những lúc trẻ xem ti vi, làm bài tập (lúc đó trẻ không đói). Béo phì xảy ra khi trẻ ăn nhiều năng lượng hơn nhu cầu.

- Không hoạt động thể lực: Lười tập thể dục, xem ti vi, sử dụng các thiết bị điển tử quá lâu.

- Một số nguyên nhân béo phì do bệnh lý liên quan, trong đó hay gặp nhất là các bệnh lý liên quan đến nội tiết: Suy giáp, cường năng tuyến thượng thận, cường Insulin nguyên phát, bệnh lý vùng dưới đồi mắc phải...

Béo phì làm ảnh hưởng đến tâm lý, tăng chiều cao, kinh nguyệt sớm, hô hấp, tim mạch, hệ cơ xương, rối loạn chuyển hóa, tiêu hóa....

Tuy nhiên, trên thực tế có đến 60 - 80% trường hợp trẻ béo phì là do nguyên nhân dinh dưỡng. Trẻ có chế độ ăn giàu chất béo (thức ăn nhanh, thức ăn chiên xào…), chất bột đường (thức ăn nhiều đường gồm kem, chè, bánh ngọt, nước ngọt...) đều có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ gia tăng béo phì. Thông thường, khẩu phần ăn của trẻ thừa cân béo phì thường vượt mức nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Do đó, phần năng lượng dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và sẽ được tích trữ ở các cơ quan trong cơ thể gồm: Mặt, cánh tay, ngực, bụng, bắp đùi, nội tạng…

2. Những hệ lụy khi trẻ béo phì

Trẻ em dư thừa cân nặng cũng có thể gặp các vấn đề như người lớn thừa cân, béo phì.

Cụ thể, người càng thừa cân thì sẽ có nguy cơ cao mắc 1 số bệnh, trong đó thường gặp là :

- Tim mạch : Tăng mỡ máu - Cholesterol máu, lipid máu; tăng huyết áp; bệnh lý mạch vành; tai biến mạch máu não;

- Bệnh đái tháo đường; 

- Sỏi mật : Béo phì làm tăng nguy cơ sỏi mật ở mọi lứa tuổi và gấp 3 - 4 lần so với người bình thường. Nguy cơ này càng cao khi tình trạng béo bụng tăng;

- Bệnh ung thư

- Bệnh khớp

- Bệnh gout

- Đau cột sống

- Tăng tình trạng thoái hóa khớp …

Phẫu thuật trên người bệnh béo phì có nhiều biến chứng và khó lành vết thương hơn. Do nặng nề, xoay chuyển khó, người béo phì dễ bị tai nạn trong lao động và cuộc sống, điều đó làm tăng tỷ lệ tàn phế và tử vong. Tuổi thọ người béo phì ngắn hơn so với người có cân nặng bình thường.

Thực tế cho thấy, trẻ sẽ gặp tất cả nguy cơ kể trên khi trẻ không được kiểm soát cân nặng, diễn tiến thành 1 người lớn béo phì. Trẻ béo phì dễ bị chọc ghẹo, khiến trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý, dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập. Nhiều trẻ có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng với hình dáng cơ thể, trầm cảm. Do bị chọc ghẹo, bị bắt nạt… sẽ khiến trẻ để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.

Đối với trẻ có biểu hiện của việc tăng cân không kiểm soát cần cho trẻ đến khám, tư vấn và làm các xét nghiệm để kiểm tra, tầm soát các bệnh liên quan đến béo phì và các hướng điều trị sớm nhất. Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam với đội ngủ bác sĩ Nhi khoa và bác sĩ Dinh dưỡng tiết chế có đầy đủ chuyên môn, kinh nghiệm và tư vấn tận tình là địa chỉ tin cậy để bố, mẹ đưa con đến khám và điều trị.

CNĐD Nguyễn Thị Ly- Tổ T3G

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432