NGUYÊN VĂN BÀI PHÁT BIỂU KHAI MẠC CỦA TS.BS TÔ MƯỜI - GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐKKVMNPB QUẢNG NAM TẠI BUỔI LỄ KHÁNH THÀNH KHU KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ PHCN ĐA CHUYÊN NGHÀNH
Kính thưa:
PGS.TS. Trần trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức
năng Việt Nam.
GS.TS. Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức
năng Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc tổ chức The
International Center.
Qúy vị đại biểu đại diện chính quyền địa phương, đại
diện các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ quan, đơn vị.
Phục hồi chức năng với vai trò là
một trong 4 cấu phần quan trọng của chăm sóc y tế toàn diện bao cho người dân gồm
nâng cao sức khoẻ; dự phòng; điều trị và phục hồi chức năng. Nhu cầu PHCN tại Việt Nam là rất lớn do dân số đang già hoá;
tỷ lệ khuyết tật lớn; mô hình bệnh tật thay đổi cần PHCN như: các bệnh lý nhiễm
trùng, bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích.
Theo Tổng cục Thống kê, số người
khuyết tật Việt Nam chiếm khoảng trên 6% dân số, khoảng 4 triệu người bị ảnh
hưởng bởi chất độc hóa học. Tuy nhiên tỷ lệ người bệnh, người khuyết tật được
tiếp cận với dịch vụ PHCN chỉ đạt khoảng 40% trong khi nhu cầu về PHCN sẽ
tiếp tục gia tăng trong thời gian sắp tới do mô hình bệnh tật đang ở giai đoạn
chuyển đổi với đa gánh nặng về các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm và chấn
thương không chủ định.
Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam là
bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến tỉnh, khu vực phụ trách bao gồm các huyện Đại Lộc; Nam Giang; Đông Giang; Tây Giang; Phước Sơn; Nông Sơn một số xã huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Đây là địa bàn bị tàn phá nặng nề
trong chiến tranh do bom đạn, chất độc hóa học và tỷ lệ thương tật từ thực thể
đến tinh thần là rất cao. Dân số trong khu vực là 500.000 người, Nghề nghiệp chính:
Nông nghiệp. Thu nhập thấp, tỷ lệ nghèo, cận nghèo còn cao. Bệnh viện có 30
khoa, 08 phòng chức năng. Tổng số giường bệnh: 1.700. Tổng số nhân lực gần 1.000
người. Số bệnh nhân khám bệnh mỗi ngày khoảng 800-900 bn. Số bệnh nhân điều trị
nội trú mỗi ngày khoảng 1.600 bn. Bệnh viện đã tách các khoa phòng theo hướng
chuyên sâu, chuyển đổi công nghệ từ mổ hở sang mổ nội soi trong các khoa hệ
ngoại, triển khai can thiệp tim mạch, đầu tư phát triển mạnh hồi sức nội khoa,
hồi sức nhi khoa và hồi sức ngoại khoa từ đó bệnh viện thu hút ngày càng đông
bệnh nhân đến khám chữa bệnh trong đó có nhiều bệnh nhân cần PHCN.
Khoa PHCN thành lập từ năm 2008 với
quy mô ban đầu là 20 giường bệnh. Đến nay xây dựng khu 5 tầng có 120 giường
bệnh, điều trị nội trú 110 bn/ ngày, điều trị ngoại trú 100bn/ ngày, khám bệnh
40-50 bn/ngày, trang thiết bị đầu tư để triển khai nhiều kỹ thuật chuyên môn
mới trong hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu và ngôn ngữ trị liệu trong đó có
thủy trị liệu và tiêm Botox cho bn. Nhân lực khoa PHCN có 58 người. trong đó có
9 bác sĩ chuyên khoa PHCN (1 CKII, 1 CKI, 6 bác sĩ học chuyên PHCN và 1 bác sĩ
đang học tiến sĩ PHCN tại Đài Loan), 7 cử nhân PCCN và 42 KTV cao đẳng, Nhiều
kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu tại các trung tâm PHCN trong nước và tại
Hàn Quốc.
Hoạt
động chuyên môn của khoa PHCN trong những năm qua đào tạo theo hướng chuyên sâu
cho BS và KTV trong từng lĩnh vực: Hoạt động trị liệu
(OT), Vật lý trị liệu (PT), Ngôn ngữ trị liệu (ST) tạo nên một bức tranh toàn diện cho mảng PHCN
theo mô hình bệnh tật phù hợp của bệnh viện. Các bệnh lý cơ xương khớp, thoái
hóa khớp, cứng khớp sau phẫu thuật, bó bột, rối loạn chức năng hô hấp sau
Covid-19, các bệnh lý cần chữa trị dài ngày là mô hình bệnh tật thường gặp cần
PHCN tại bệnh viện.
Sự
kiên trì của người thầy thuốc không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là sự tận tâm, gần gũi và trách nhiệm
với người bệnh đó là liều thuốc tinh thần quý
báu để vượt lên nỗi đau bệnh tật. Mỗi bệnh nhân khỏe mạnh, được ra viện là
niềm vui, là động lực lớn đối với chúng tôi. Không chỉ quan tâm, chăm sóc bệnh
nhân khi ở bệnh viện, người bệnh về nhà, bác sĩ, KTV còn duy trì liên lạc để tư
vấn, hỗ trợ giúp họ phục hồi tốt nhất. Bởi vậy, việc hình thành khu PHCN đa
chuyên ngành và Đơn nguyên Công nghệ và dụng cụ trợ giúp tại bệnh viện là vô
cùng cần thiết để hoàn chỉnh một chuỗi quá trình điều trị từ khi bệnh nhân vào
viện đến trước khi bệnh nhân hòa nhập cộng đồng. Nhìn người thầy thuốc hướng dẫn,
người bệnh chăm chỉ luyện tập những công việc thường nhật như tại nhà mình để
thấy rằng cuộc sống vẫn còn có ích và giảm gánh nặng cho gia đình.
Bệnh viện xin chân thành cảm ơn tổ chức USAID, tổ chức
International Center đã hỗ trợ kinh phí xây dựng khu PHCN đa chuyên ngành và
Trung tâm PHCN BV Bạch Mai hướng dẫn chuyên môn cho nhân viên y tế. Mô hình này
theo tôi nghĩ dễ nhân rộng và áp dụng tại các bệnh viện và TTYT.
Hiện nay Bệnh viện đã xây dựng xong Đơn nguyên Công nghệ và dụng
cụ trợ giúp nhưng chưa có máy móc, thiết bị và đào tạo nhân lực, Bệnh viện xin
sự giúp đỡ của tổ chức USAID, tổ chức International Center và các tổ chức khác
để đầu tư Đơn nguyên Công nghệ và dụng cụ trợ giúp sớm đưa vào hoạt động.
Hôm nay tôi rất vui vì có sự tham dự của Hội Phục hồi chức năng Việt Nam và
nhiều tổ chức, đơn vị, bệnh viện, quý thầy cô, các anh chị lãnh đạo và quý đồng
nghiệp về tham dự Lễ khánh thành khu PHCN đa chuyên ngành tại bệnh viện. Tôi
thay mặt lãnh đạo, kính chúc tất cả quý vị đại biểu, quý thầy cô và đồng nghiệp
mạnh khỏe và có nhiều thành công trong cuộc sống và công việc.
TS.BS Tô Mười