NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NỘI SOI MẬT TUỴ NGƯỢC DÒNG (ERCP)
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NỘI SOI MẬT TUỴ NGƯỢC DÒNG
(ERCP)
Các bệnh lý về túi mật và tuyến tụy như
viêm tuỵ, ung thư tuỵ, sỏi mật rất phổ biến. Theo Thống kê của Tổ
chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới nhận khoảng 458.918 ca mắc ung thư tuỵ,
trong số đó có 432.242 ca tử vong. Riêng tại Việt Nam, năm 2018, ước tính có
hơn 1.000 người mắc mới ung thư tuỵ và 900 ca tử vong trong số đó (thống kê
của GLOBOCAN – Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu).
Việc thăm khám,
chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tuyến mật, tuỵ có ý nghĩa
lớn trong việc cứu sống, cũng như giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Nội
soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là một kỹ thuật chuyên biệt đối với
nhiều rối loạn ống mật.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về phương pháp này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn.
Nội soi mật tụy ngược dòng ERCP là gì?
ERCP (Endoscopic retrograde
cholangiopancreatography) là từ viết tắt của nội soi mật tụy ngược dòng.
Đây là một thủ thuật chuyên biệt được thường được sử dụng để chẩn đoán và điều
trị đồng thời các bệnh về hệ thống dẫn mật và ống tuyến tụy.
Trong quá trình thực hiện ERCP, bác sĩ sẽ sử dụng một
ống nội soi có camera nhìn phía bên – gọi là ống nội soi tá tràng để kiểm tra
bên trong hệ tiêu hóa. Ống nội soi này được đưa đến chỗ đổ vào tá tràng của ống
mật và ống tuyến tụy. Tiếp theo, một ống thông nhỏ sẽ được luồn vào ống mật
hoặc ống tụy để bơm thuốc cản quang vào ống mật và soi dưới màn hình X-quang để
chẩn đoán bệnh của ống mật.
Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật điều trị như lấy sỏi
ống mật chủ hoặc ống gan chung, đặt stent qua chỗ hẹp, nong chỗ hẹp… ngay khi
xác định được chẩn đoán.
Quy trình thực hiện ERCP
Người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê cho ngủ bằng cách sử
dụng thuốc an thần hoặc thuốc ngủ thông qua một dây dịch truyền ở cánh tay.
Bác sĩ sử dụng một ống nội soi có camera nhìn phía
bên, khác với ống soi dạ dày camera nhìn phía trước, gọi là ống nội soi tá
tràng để thực hiện ERCP. Ống nội soi tá tràng được đưa qua miệng, thực quản, dạ
dày và tá tràng đến chỗ đổ vào tá tràng của ống mật và ống tuyến tụy.
Một ống bằng nhựa nhỏ được luồn vào ống mật, hoặc ống tụy (nếu kiểm tra bệnh trong tụy), thuốc cản quang sau đó được tiêm vào đường mật và được soi chụp dưới màn hình X-quang. Nếu bệnh lý được nhìn thấy, thủ thuật điều trị được sẽ thực hiện như là lấy sỏi ống mật chủ hoặc ống gan chung, đặt stent qua chỗ hẹp, nong chỗ hẹp… các biện pháp này thường đòi hỏi phải cắt cơ vòng chổ ống mật đổ vào thành tá tràng.
Trường hợp sử dụng nội soi mật tụy ngược dòng ERCP
ERCP là thủ thuật xâm lấn và ngày nay thường được sử
dụng để điều trị là chính:
·
- Lấy sỏi mật trong ống mật.
- Tìm nguyên nhân và xử lý vàng da do
dòng chảy của mật bị tắc nghẽn.
- Để đặt stent. Stent là một ống nhựa
hoặc kim loại nhỏ, được đưa vào ống mật. Một stent đi qua khu vực tắc
nghẽn để làm giảm triệu chứng vàng da hoặc cơn đau của người bệnh.
- Để điều trị nhiễm trùng đường mật
do tắc nghẽn dòng chảy của mật.
- Lấy mẫu tế bào để giúp phân biệt
bệnh lành tính với ung thư tuyến tụy hoặc ống mật.
ERCP không được chỉ định trong các trường hợp:
Thiếu bằng chứng về bệnh lý mật hoặc tụy, khi có sẵn các công cụ chẩn đoán an
toàn hơn, trong trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân và khi ERCP không thay
đổi kế hoạch điều trị đã có trước đó.
Những điều cần làm
trước, trong và sau khi thực hiện ERCP
·
Trước khi thực hiện ERCP:
- Trước
khi thực hiện ERCP, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức
khỏe của mình như: Tình trạng phổi, các điều kiện về tim, có bị dị ứng với
bất kỳ loại thuốc nào hay không, có đang mang thai không.
- Nếu
mắc bệnh đái tháo đường và sử dụng insulin, người bệnh có thể cần nhờ bác
sĩ nội tiết điều chỉnh liều lượng insulin vào ngày xét nghiệm. Nên mang
theo thuốc điều trị đái tháo đường để uống sau khi làm thủ thuật. Nếu
đang dùng thuốc làm loãng máu như aspirin, clopidogrel (Plavix),
dipyridamole (Persantine), enoxaparin (Lovenox) hoặc warfarin (Coumadin),
bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh giữ những loại thuốc này hoặc kê đơn
phương pháp thay thế để làm loãng máu máu trước khi làm thủ thuật.
- Không
được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (ngoại trừ nước lọc) trong vòng tám (08)
giờ trước khi làm thủ thuật.
·
Trong khi thực hiện ERCP:
- Đầu
tiên, người bệnh sẽ được gây tê cổ họng và tiêm thuốc gây mê vào tĩnh mạch.
Người bệnh sẽ được ngậm một dụng cụ mở rộng và cố định miệng để bác sĩ dễ
dàng luồn dụng cụ nội soi qua miệng.
- Trong
khi nội soi, người bệnh sẽ nằm nghiêng bên trái để bác sĩ luồn ống nội
soi từ miệng xuống tá tràng.
- Thuốc
cản quang sẽ được bác sĩ bơm vào ống tụy hoặc ống mật để nhìn thấy hình ảnh
từ ống nội soi thông qua tia X.
·
Sau khi thực hiện ERCP:
- Người
bệnh sẽ ở trong phòng hồi sức khoảng 1-2 giờ để theo dõi
- Không
được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong ít nhất nhất trong 12 -24 giờ đầu
sau khi thực hiện ERCP. Đây là khoảng thời gian cần theo dõi để phát hiện
các biến chứng của ERCP.
- Sau
12-24 giờ sau làm ERCP, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân kiểm tra lại xét nghiệm
máu và có thể siêu âm bụng, chụp XQ bụng ( nếu có nghi ngờ) hoặc chụp cắt
lớp ổ bụng để xem có biến chứng xảy ra hay không. Nếu không có biến chứng,
người bệnh sẽ được cho ăn uống trở lại. Các bữa ăn đầu tiên nên ăn nhẹ,
thức ăn dễ tiêu.
- Luôn
giữ liên lạc với bệnh viện để nhận được những thông báo kịp thời.
Những biến chứng có thể
xảy ra sau khi thực hiện ERCP
Biến chứng thường gặp nhất là tình trạng viêm tụy
(xảy ra 5-10%), chảy máu (<5%), nhiễm trùng đường mật (<5%), thủng (vỡ
thành ruột) (1-2%), việc gây mê có thể dẫn đến suy giảm chức năng hô hấp và tim
mạch. Trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể phải phẫu thuật để xử lý biến
chứng hoặc nhập viện trong một thời gian để điều trị biến chứng.
Các biến chứng khác bao gồm các phản ứng dị ứng, tổn
thương răng do răng bị khiếm khuyết từ trước và chấn thương đối với thanh quản.
Khàn tiếng nhẹ, khó nuốt hoặc đầy hơi khó chịu (do không khí tồn đọng trong dạ
dày và ruột sau khi làm thủ thuật) có thể xảy ra tạm thời sau ERCP.
Cần lưu ý, trong vòng 72 giờ sau ERCP, nếu có bất kỳ
triệu chứng nào trong số các triệu chứng như như đau bụng nhiều, sốt hoặc đi
tiêu ra máu, tiêu phân đen như bã cà phê… người bệnh phải đến bệnh viện ngay
lập tức để bác sĩ kiểm tra, kịp thời xử lý.
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC
1. Nội soi mật tụy ngược dòng có nguy
hiểm không?
ERCP được coi là một thủ tục có rủi ro thấp, tuy
nhiên, các biến chứng có thể xảy ra như viêm tụy, nhiễm trùng, thủng ruột và
chảy máu. Trong đó, những người đang được áp dụng ERCP để điều trị, nhất là
điều trị sỏi mật sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn những người được áp dụng ERCP
cho việc chẩn đoán. Do đó, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của
bác sĩ trước, trong và sau quá trình ERCP.
2. Nội soi mật tụy ngược dòng có thể dùng
để điều trị bệnh lý đường mật và tuỵ không?
Nội soi mật tụy ngược dòng ERCP được sử dụng cho hai
mục đích chính bao gồm:
- Chẩn đoán: Ngày nay ít dùng để chẩn đoán như
chẩn đoán bệnh liên quan đến cây đường mật và ống tụy
- Điều trị: ERCP được sử dụng cho việc điều trị
bao gồm: Phẫu thuật cắt cơ vòng, đặt stent và lấy sỏi.
3. Lỡ có thai mà làm nội soi mật tụy
ngược dòng có sao không?
Nội soi mật tụy ngược dòng cho phụ nữ có thai thì nguy cơ biến
chứng cao hơn người bình thường. Một số biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến
thai kỳ như co thắt dẫn đến sảy thai.
Tuy nhiên, nội soi mật tụy ngược dòng không được chỉ
định cho cho phụ nữ mang thai. Trước khi làm thủ thuật người bệnh được kiểm tra
sức khỏe trong đó có việc kiểm tra xem có mang thai hay không. Nếu đang mang
thai, bác sĩ sẽ không thực hiện thủ thuật này.