Những điều cần biết về “Viêm gân cơ chóp xoay”

Thứ năm Ngày 04 Tháng 04 2024 21:56:31 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam


    1. Định nghĩa:


- Đau vai là nguyên nhân cơ xương khớp phổ biến thứ ba mà bệnh nhân đến khám sau đau cột sống và đau gối, chiếm khoảng 15% trong tổng số các bệnh nhân đến khám vì bệnh lí cơ xương khớp.

- Hầu hết những nguyên nhân gây đau vai là do bệnh lý của các mô mềm quanh khớp, như là GÂN cơ chóp xoay (viêm hoặc rách gân cơ chóp xoay) và bao KHỚP ổ chảo- cánh tay (viêm dính bao khớp), KHỚP cùng vai đòn. trong đó Viêm gân cơ chóp xoay là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vai.

- Đầu tiên, chúng ta hiểu Gân cơ chóp xoay không phải là 1 mà là 1 nhóm các gân cơ bám vào xương bả vai và đầu trên xương cánh tay, giao thoa với nhau thành gân chóp xoay, có chức năng vận động và giữ ổn định khớp vai. Chính điều này giúp cho khớp vai có tầm vận động lớn nhất. Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người, cũng chính vậy làm cho chóp xoay dễ bị tổn thương nhất. Tổn thương chóp xoay thường gặp nhiều nhất ở những người phải vận động khớp vai thường xuyên, nhất là trong trường hợp có các động tác lặp đi lặp lại đưa tay lên quá đầu trong công việc hàng ngày hoặc chơi thể thao (thợ sơn, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bơi lội…) hoặc có tiền sử mang vác nặng, hoạt động quá mức của khớp vai..., khiến gân chóp xoay rất dễ bị tổn thương, kích thích gây phản ứng viêm

 

                2. Dịch tễ học:

Thống kê số liệu thực tế tại Việt Nam, khoảng 2% dân số mắc hội chứng viêm chóp xoay vai, chiếm 12,5% trong tổng số người mắc bệnh cơ xương khớp, và chiếm khoảng 50% tổng số trường hợp bệnh nhân đến khám vì đau vai.

  3.Nguyên nhân:

- Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm hay đứt gân cơ chóp xoay, bao gồm lớn tuổi gây thoái hóa gân, tình trạng thiếu máu nuôi gân và do sử dụng quá mức khớp vai.
- Viêm chóp xoay có thể gặp ở cả các vận động viên trẻ tuổi lẫn những những người bình thường ở độ tuổi trung niên. Các vận động viên bơi lội, bóng
chuyền, tennis … là những đối tượng dễ mắc các tổn thương loại này.
- Những người làm công việc phải thường xuyên giơ tay cao quá đầu, động tác lặp lại nhiều lần như thợ sơn, thợ xây, thợ mộc cũng dê mắc bệnh này.
- Viêm chóp xoay cũng có khi là do 1 chấn thương nhẹ vùng vai gây ra như:
+ Té ngã chống tay hoặc ngã đè lên tay làm đụng dập hay rách gân cơ chóp xoay
+ Nâng một đồ vật nặng hay đưa tay lên quá đầu không đúng tư thế.
+ Tổn thương lặp đi lặp lại của gân cơ chóp xoay dẫn đến viêm, rách…
+ Các gai xương hoặc một phần xương bả vai to trồi lên gây kích thích và làm tổn thương gân chóp xoay.
- Đôi khi viêm chóp xoay xảy ra mà không tìm thấy được nguyên nhân rõ ràng cụ thể

      4. Biểu hiện lâm sàng: 

Các dấu hiệu ban đầu của viêm gân cơ chóp xoay thường nhẹ khiến người bệnh chủ quan, chưa điều trị. Cụ thể:

- Đau ở mức độ nhẹ khi hoạt động lẫn nghỉ ngơi;
- Sưng và đau ở phía trước trên khớp vai;
- Đau lan từ phía trước khớp vai xuống mặt ngoài cánh tay;
- Đau đột ngột khi chạm vùng vai hoặc nâng cánh tay;
- Xuất hiện âm thanh “lách tách” khi hoạt động khớp vai.
- Khi không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn. Lúc này người bệnh gặp các triệu chứng gồm:
- Cơn đau xuất hiện về đêm khiến người bệnh mất ngủ do đau hoặc khó chịu cần thay đổi tư thế liên tục;
- Yếu cơ, giảm tầm vận động khớp vai;
- Gặp khó khăn, bất tiện khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như chải tóc, mặc quần áo…;
- Thậm chí, một số trường hợp người bệnh cảm thấy rất đau, vai không thể cử động

4. Chẩn đoán:

Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện một số nghiệm pháp đặc biệt nhằm phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương vùng chóp xoay. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang, siêu âm, cộng hưởng từ MRI… để xác định mức độ tổn thương có thể chỉ là viêm hoặc đã có tổn thương thực thể như rách chóp xoay…để đưa ra phương án điều trị tốt nhất.

Các kỹ thuật thường được chỉ định trong chẩn đoán bằng hình ảnh gồm:
- X-quang: Phát hiện các gai xương và vôi hóa trong gân;
- Siêu âm: Cho kết quả rõ nét về cấu trúc, đặc biệt là các phần mô mềm như gân, cơ;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): phát hiện rất tốt các vấn đề của cả xương và mô mềm: Kiểm tra tình trạng viêm, tụ dịch hoặc các tổn thương như rách gân, thoái hóa gân

5. Điều trị:

Đa số trường hợp tình trạng viêm được chỉ định điều trị không can thiệp phẫu thuật trước tiên, chỉ khi phương pháp này không đạt hiệu quả mới cân nhắc đến việc điều trị bằng phẫu thuật. Thời gian điều trị không phẫu thuật có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, cụ thể gồm:
- Nghỉ ngơi: Người bệnh được khuyến cáo nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động giơ tay cao quá đầu, thay đổi công việc hiện tại nếu gây ảnh hưởng xấu đến bệnh;
Sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không Steroid giúp giảm đau, giảm sưng khớp vai.

- Tập vật lý trị liệu: Tập luyện các bài tập phù hợp giúp khôi phục tầm vận động, tăng cường sức mạnh cho khớp vai;
- Tiêm corticoid: thường được tiêm dưới mỏm cùng vai cho các bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các kháng viêm giảm đau đường uống và bôi tại chỗ. Tuy nhiên việc chỉ định khà thận trọng do có thể làm yếu gân và làm chậm quá trình lành gân.

- Phương pháp điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu: Phương pháp này được ứng dụng khá rộng rãi, đem đến kết quả tốt cho nhiều trường hợp viêm gân cơ chóp xoay. Huyết tương giàu tiểu cầu được chiết xuất từ chính máu của người bệnh, dựa trên chức năng của tiểu cầu là khả năng giải phóng các yếu tố tăng trưởng, các phân tử sinh học, kích thích tốc độ và khả năng phục hồi tại chỗ của mô tế bào. Phương pháp này được đánh giá an toàn do lấy máu tự thân, loại trừ khả năng lây nhiễm bệnh, không dị ứng, tránh được nguy cơ không tương thích. Bên cạnh đó, phương pháp này còn kích thích phục hồi các mô tế bào bị tổn thương, tái tạo và tăng hồi phục chức năng vận động của khớp vai, rút ngắn thời gian phục hồi, giúp người bệnh sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.

Khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật không đem lại hiệu quả như mong muốn, bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình để xem xét can thiệp phẫu thuật.

 

6. Phòng ngừa viêm gân chóp xoay bằng cách nào?
- Để phòng ngừa, người bệnh nên tránh hoặc hạn chế các hoạt động gây áp lực lên vai. Những người chơi thể thao hoạt động vai thường xuyên cần thực hiện đúng kỹ thuật, tránh tập luyện sai tư thế dẫn đến thương tổn khớp vai.

- Để phòng ngừa tái phát viêm gân chóp xoay: bạn cần làm là nghỉ ngơi hợp lý,
dùng thuốc và luyện tập theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ, tránh làm việc bằng tay đang bị bệnh.

 


 Viêm chóp xoay vùng vai nói riêng và các bệnh lý, chấn thương cơ xương khớp nói chung nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm mất khả năng vận động, thậm chí gây tàn phế, chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm một cách trầm trọng. Nếu quý vị đang gặp phải vấn đề về xương khớp thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá kịp thời.


 

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432