NHỮNG ĐIỀU CẦN HIỂU RÕ VỀ TIÊM PHÒNG UỐN VÁN CHO PHỤ NỮ MANG THAI

Chủ Nhật Ngày 07 Tháng 01 2024 21:28:03 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam

Uốn ván là loại bệnh nhiễm trùng cấp tính với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) có khả năng sinh tồn mạnh, lây nhiễm dễ dàng qua các vết thương hở, khó loại bỏ triệt để. Đặc biệt, đối tượng có nguy cơ mắc uốn ván cao nhất là phụ nữ khi chuyển dạ hoặc trẻ sơ sinh.

 

1.    Tầm quan trọng của Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu 

Đây là mũi tiêm quan trọng để phòng ngừa bệnh tật, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lịch tiêm uốn ván cho bà bầu thế nào là phù hợp. Bà bầu cần lưu ý điều gì khi tiêm uốn ván?


Theo các bác sĩ, việc tiêm ngừa uốn ván cho bà bầu giúp cơ thể thai phụ tự sản sinh ra kháng thể, loại bỏ nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh khi sinh con. Vắc xin uốn ván cho bà bầu cũng như nhiều loại vắc xin khác đã được kiểm định tính an toàn cho cả mẹ và bé, không chỉ không gây tác động xấu đến thai nhi mà còn bảo vệ sức khoẻ của hai mẹ con.

Chính vì vậy, tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là cực kỳ quan trọng. Bố mẹ nên thực hiện theo đúng lịch tiêm uốn ván cho bà bầu để bảo vệ sức khoẻ tốt nhất cho quá sinh mang thai và sinh con.

2.    Lịch tiêm uốn ván cho bà bầu như thế nào

Theo khuyến cáo của WHO, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dù đang có thai hay không có thai đều nên tiêm ngừa uốn ván, tạo kháng thể để bảo vệ sức khoẻ từ sớm. Đặc biệt khi đang mang thai, mẹ bầu nên lưu ý lịch tiêm uốn ván để đảm bảo tối ưu hiệu quả của vắc xin.


Tuỳ thuộc vào giai đoạn mang thai, mẹ bầu sẽ có lịch tiêm khác nhau. Với chị em phụ nữ chưa từng tiêm vắc xin uốn ván hoặc tiêm không đủ liều, phác đồ tiêm với đối tượng này sẽ bao gồm 2 mũi:

-        Mũi tiêm uốn ván đầu tiên khi mang thai được 20 tuần tuổi trở lên

-        Mũi tiêm uốn ván thứ 2 thực hiện sau mũi đầu ít nhất 1 tháng, trước khi sinh tối thiểu 30 ngày

Lịch tiêm uốn ván cho bà bầu mang thai lần 2:

  • Trong trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai chưa tới 5 năm và thai phụ đã thực hiện đủ 2 mũi vắc xin ngừa uốn ván trong thời gian mang thai lần đầu thì cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin vào tuần thứ 24 của thai kỳ.
  • Trong trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai hơn 5 năm hoặc thai phụ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa uốn ván trong lần mang thai đầu thì nên tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Với lịch tiêm này, bố mẹ nên chú ý sắp xếp thời gian tiêm đúng và đủ để đảm bảo khả năng kháng bệnh của thai phụ, bảo vệ sức khoẻ tốt nhất cho cả hai mẹ con.

3.    Lưu ý khi tiêm uốn ván cho bà bầu

Dù là một loại vắc xin đã được kiểm định chặt chẽ và đảm bảo an toàn, nhưng nhiều bố mẹ vẫn không tránh khỏi thắc mắc về tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu. Tương tự như những loại vắc xin thông thường khác, tiêm uốn ván bà bầu có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Hay gặp nhất là tình trạng mẹ bầu bị sốt sau khi tiêm, cơ thể bị sưng, đau và hơi nhức tại vị trí tiêm, thường sẽ là bắp thịt.

Đây là phản ứng phổ biến của cơ thể sau tiêm, không quá nghiêm trọng và sẽ tự khỏi sau vài ngày mà không cần dùng đến thuốc. Nguyên nhân là do khi cơ thể tiếp nhận vắc xin, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống là duy trì khả năng phòng vệ khi cần. Tuy nhiên, với những mẹ bầu phản ứng bất thường hoặc quá mức sau tiêm phòng, cần thông báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Ngoài ra, thai phụ cũng nên lưu ý một số điều để đảm bảo tối ưu hiệu quả tiêm chủng:

-        Lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín, có đầy đủ chứng nhận của Bộ Y tế, đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng vắc xin

-        Tuân thủ lịch tiêm uốn ván cho bà bầu để đảm bảo sức khỏe. Nếu thai phụ bị ốm nghén trong giai đoạn đầu thai kỳ, mẹ có thể xem xét tiêm ngừa uốn ván mũi đầu vào giữa thai trì để tránh mệt mỏi thêm, mũi thứ 2 có thể tiêm trước khi sinh tối thiểu 2 tuần để cơ thể có đủ thời gian tạo miễn dịch.

-        Nếu mẹ bầu bị bệnh liên quan đến thận, khớp,… hoặc có tiền sử dị ứng với vắc xin thì nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi tiến hành tiêm ngừa uốn ván.

-        Chị em phụ nữ có ý định mang thai có thể tiêm ngừa uốn ván như một khâu chuẩn bị, tạo hệ miễn dịch tối ưu nhất để bảo vệ bản thân và thai nhi.

 

Trên đây là các thông tin cần thiết nhất về việc tiêm uốn ván cho bà bầu, lịch tiêm cho các đối tượng mang thai và những lưu ý trước, sau quá trình tiêm chủng. Hy vọng mẹ bầu có thể yên tâm chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và con yêu. 


BSCK1 Nguyễn Quang Anh Tuấn – T3G

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432