Tìm hiểu về Bệnh lý “Viêm gân gấp ngón tay (Ngón tay lò xo)”
1. Định nghĩa:
Viêm gân gấp ngón tay là tình trạng viêm bao gân của các
gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất
hiện hạt xơ, làm di động của gân gấp qua vị trí hạt xơ bị cản trở. Mỗi lần gấp
hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra
hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo. Vì vậy
bệnh còn có tên là ngón tay lò xo, ngón tay cò súng.
2. Dịch tễ học:
Ngón tay lò xo là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất
gây đau tay ở người lớn. Tỷ lệ được báo cáo là khoảng 2% trong dân số nói chung
và phổ biến nhất ở phụ nữ ở độ tuổi 40-60 tuổi. Nó có thể xảy ra ở một hoặc nhiều
ngón tay ở mỗi bàn tay và có thể ở cả hai bên, trong đó Ngón đeo nhẫn và ngón
cái là những ngón bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngón tay lò xo đôi khi được quan sát
thấy ở trẻ em, thường do biến đổi giải phẫu hoặc di truyền.
3. Nguyên nhân:
- Phần lớn ngón tay cò súng là vô căn. Các triệu chứng thường bắt đầu một
cách tự nhiên, không có tiền sử chấn thương hoặc thay đổi mức độ hoạt động. Tuy
nhiên thường liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp sử dụng ngón tay cường độ
cao với các động tác lặp đi lặp lại.
- Ngón tay lò xo cũng thường liên quan đến bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng
thấp, suy giáp, tăng bạch cầu, bệnh amyloidosis và bệnh gút.
- Hiếm khi ngón tay lò xo do một chấn thương cấp hoặc các tổn thương choán chỗ.
4. Biểu hiện lâm sàng:
- Ban đầu, bệnh nhân có thể nhận thấy
tiếng bật trong ngón tay khi gấp duỗi, hạn chế nhẹ tầm vận động, hoặc bị giữ
khoá ngón tay ở tư thế gấp mà có thể trở lại bình thường nhờ co cơ chủ động hoặc
trợ giúp của tay kia.
- Khi mức độ hẹp nhiều hơn, Cảm giác đau xuất hiện trên vùng gân vị viêm, đau
nhiều khi vận động, tiến triển đến đau ở khớp liên đốt gần của ngón tay, đau khi
nghĩ ngơi.
- Một số bệnh nhân có thể bị sưng hoặc cứng các ngón tay, đặc biệt là vào buổi
sáng.
- Ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường, có thể ảnh hưởng nhiều
ngón tay
5. Chẩn đoán:
- Ngón tay lò xo có thể được chẩn đoán chỉ dựa vào bệnh
sử và thăm khám lâm sàng:
Khám lâm sàng xác định vị trí của triệu chứng là ở ngang
mức khớp bàn ngón.
+ Nhìn: Có thể thấy sưng nhẹ ở mặt gan (lòng) ở khớp bàn đốt hoặc ngón tay
+ Sờ: Sờ có thể thấy đau khi ấn và đôi khi có một nốt mềm hoặc cảm thấy tiếng rột
ở mặt gan tay trên đầu xương bàn đốt.
+ Vận động: Vận động nắm mở bàn tay chủ động tạo ra tiếng bật gây đau khi gân bị viêm
đi qua lớp vỏ bọc bị thắt hẹp. Thường động tác duỗi dễ gây triệu chứng vì cơ duỗi
yếu hơn.
+ Trường hợp ngón tay lò xo mạn tính, bệnh nhân có thể bị co rút gập khớp liên
ngón.
+Khám thần kinh: Trong trường hợp không có bệnh lý kèm theo như hội chứng ống cổ
tay hoặc bệnh thần kinh do đái tháo đường, khám thần kinh là bình thường trừ những
trường hợp nặng có biểu hiện yếu hoặc teo cơ
Các thăm dò hỗ trợ chẩn đoán như:
- Siêu âm có thể cho thấy các nốt gân, viêm bao gân ở mức ròng rọc A1.
- X – quang: có thể được kiểm tra nếu có nghi ngờ tổn thương về xương và khớp.
- Chụp cộng hưởng từ có thể xác nhận viêm bao gân của cơ gấp ngón tay,
nhưng
không có nhiều lợi ích so với chẩn đoán lâm sàng.
6. Chẩn
đoán phân biệt
- Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, gút: là những bệnh
có thể có biểu hiện sưng đau các khớp ở bàn tay. Có thể phân biệt dựa vào các
triệu chứng lâm sàng kèm theo và dựa vào siêu âm.
7. Điều trị:
Đầu tiên bác sĩ sẽ tư
vấn Các phương pháp điều trị không dùng thuốc:
- Nghĩ ngơi, hạn chế vận động gân bị tổn thương.
- Chườm lạnh khi có biểu hiện viêm nhiều như là sưng nóng đỏ
- Đeo nẹp để giữ khớp
bàn ngón tay được duỗi thẳng hoặc gấp nhẹ 15 độ, đặc biệt là vào ban đêm.
Lưu ý: Không nên dùng dầu xoa bóp nhiều tại gân bị tổn thương, vì nó sẽ
kích thích làm tình trạng viêm tăng lên.
- Khi các phương pháp không dùng thuốc không đỡ, các bác sĩ sẽ cho dùng các
loại thuốc chống viêm, giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân.
- Nếu tình trạng vẫn không cải thiện thì bác sĩ có thể dùng liệu pháp tiêm thuốc kháng viêm trực tiếp vào trong bao gân gấp ở gốc ngón tay. Hầu hết bệnh nhân sẽ đáp ứng với liệu pháp này, tuy nhiên một số trường hợp khi mà mô sơ nó quá nhiều thì mình sẽ tiến đến một cái phương pháp cuối cùng là phẫu thuật.
7. Phòng ngừa
viêm bao gân gấp ngón tay:
- Viêm bao gân ngón tay xuất hiện với
những cơn đau nhức, khó chịu, gây cản trở trực tiếp đến vận động, sinh hoạt
hàng ngày. Do đó, việc chủ động phòng
ngừa ngay từ sớm là thực sự cần thiết. Một số giải pháp hữu ích có thể tham khảo
như:
- Tránh thực hiện các động tác cầm nắm hoặc nắm chặt lặp đi lặp lại.
- Tránh sử dụng các loại thiết bị, máy móc tạo độ rung.
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi đầy đủ và hợp lý
- Bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng vào chế độ ăn hàng ngày, Canxi, Vitamin
C.
- Cầm nắm các dụng cụ thể thao có kích thước vừa vặn.
- Thực hiện các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để tăng cường sức mạnh cho cổ tay và
ngón tay.