TRẺ BỊ TIÊU CHẢY CẦN BỔ SUNG NƯỚC, ĐIỆN GIẢI VÀ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG RA SAO?

Thứ năm Ngày 09 Tháng 03 2023 20:45:23 BVĐK Khu Vực Miền Núi Phía Bắc Quảng Nam


Bệnh tiêu chảy ở trẻ cần được xử lý tích cực, ngay từ khi có dấu hiệu tiêu chảy, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ nước cho trẻ để phòng ngừa nguy cơ mất nước và chất điện giải, ngoài ra chế độ ăn cho trẻ cũng cần được quan tâm đặc biệt, một chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh, làm giảm thời gian và độ nặng của bệnh tiêu chảy.

Bù nước và điện giải thế nào là hợp lý?


Bù nước và điện giải có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh tiêu chảy, trẻ càng tiêu chảy nhiều càng cần uống nhiều để bù lại lượng dịch và điện giải đã mất. Hầu hết các loại dịch trẻ thường dùng đều có thể dùng cho trẻ khi bị tiêu chảy.

Các loại dịch này có thể chia làm hai nhóm chính là:

·         Các dung dịch chứa muối: dung dịch ORS, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp rau quả, súp gà, súp thịt. Lưu ý là các loại canh súp không được quá mặn, lượng muối dùng cho 1 lít nước là khoảng 3g.

·         Các dung dịch không chứa muối: nước sạch, các loại súp không mặn, nước cơm hoặc nước ngũ cốc khác, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường.

Dung dịch Oresol (ORS) là loại dịch tốt nhất để bù nước và điện giải. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại ORS khác nhau, có loại dạng gói, có loại dạng viên sủi. Cách pha chế cũng rất đa dạng, có loại pha trong 200ml, có loại pha trong 250ml, 1lít. Do đó, trước khi pha chế, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để chuẩn bị lượng nước thích hợp, nếu pha quá đặc sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, pha quá loãng thì không đảm bảo hiệu quả hiệu trị. Dụng cụ pha chế cần phải sạch, dung dịch ORS sau khi pha chỉ được sử dụng trong 24 giờ.

Đối với trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú nhiều lần hơn và mỗi lần bú kéo dài hơn. Bổ sung thêm ORS sau mỗi lần bú mẹ. Đối với trẻ không bú mẹ hoàn toàn, bổ sung nước cho trẻ bằng dung dịch ORS và nhiều loại dịch khác với liều lượng như sau:

·         Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi: cho trẻ uống 50-100 ml sau mỗi lần đi ngoài và giữa các lần đi ngoài.

·         Trẻ từ 2 đến 10 tuổi: cho trẻ uống 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài và giữa các lần đi ngoài.

·         Trẻ lớn hơn 10 tuổi: cho trẻ uống theo nhu cầu.

Bù dịch liên tục cho trẻ cho đến khi ngừng tiêu chảy, cho trẻ uống thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng thìa. Nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó cho trẻ tiếp tục uống nhưng chậm hơn.

Những loại dung dịch trẻ không được uống là các loại nước ngọt có đường như nước giải khát công nghiệp, nước trái cây công nghiệp, nước trà đường,... vì các loại nước này có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn và gây tăng natri máu. Cà phê, các loại trà thuốc, dung dịch truyền cũng không nên uống vì đây là những chất kích thích gây lợi tiểu, các loại dịch này có thể làm kéo dài tình trạng tiêu chảy.


Tiêu chảy ở trẻ em nên ăn gì?



- Cho trẻ tiếp tục ăn, khẩu phần ăn cần được duy trì và tăng dần lên là một trong các nguyên tắc quan trọng trong điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ. Không được hạn chế trẻ ăn và cũng không nên pha loãng thức ăn. Trẻ được ăn đủ chất, cân nặng và chức năng đường ruột sẽ được phục hồi nhanh chóng. Những trẻ không được ăn uống đầy đủ trong thời gian tiêu chảy, thời gian bệnh sẽ kéo dài hơn, chức năng đường ruột phục hồi kém hơn.


“Tiêu chảy ở trẻ em nên ăn gì?” là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Nhìn chung, thức ăn sử dụng cho trẻ khi bệnh tiêu chảy cũng giống như những loại thức ăn trẻ sử dụng thường ngày. Một số điểm cần chú ý là:

Trẻ ở bất cứ lứa tuổi nào nếu còn đang bú mẹ cần cho trẻ bú nhiều lần hơn và bú lâu hơn. Nếu trẻ không bú mẹ nên tăng cường cho trẻ ăn những loại sữa công thức trẻ đang thường dùng, mỗi cữ sữa cách nhau khoảng 3 giờ. Tiêu chảy ở trẻ 6 tháng tuổi trở xuống, nếu đang bú mẹ và đang ăn dặm thêm các thức ăn khác, trong thời gian tiêu chảy, nên tăng cường bú mẹ

  Ở trẻ đã ăn dặm, các thực phẩm nên dùng cho trẻ là gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn, cá, sữa chua, dầu thực vật,... Đặc biệt, nên bổ sung cà rốt, hồng xiêm, chuối hương khi trẻ bị tiêu chảy. Ngoài cung cấp các chất dinh dưỡng như vitamin, glucid, trong những thực phẩm này có chứa nhiều pectin và lignin, giúp hút nước và hút tất cả các sản phẩm bệnh lý trong ruột và kéo ra ngoài, giúp làm đặc phân và sạch ruột. Một số nghiên cứu còn cho thấy, Pectin và lignin có khả năng kết tủa, làm tan vi khuẩn E.coli và thương hàn. Các chất chống độc pectin và lignin nằm trong màng tế bào các loại thực phẩm, do đó cần xay hoặc chà sát thật nát để những chất này giải phóng ra ngoài.

Các thực phẩm nên được chế biến mềm và nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa. Nên cho thêm 5-10ml dầu thực vật vào mỗi bữa ăn.

Cho trẻ ăn lượng thức ăn nhiều như trẻ muốn, cho trẻ ăn nhiều bữa trong một ngày, cách khoảng 3-4 giờ cho trẻ ăn một lần. Cho ăn lượng ít trong nhiều lần sẽ giúp trẻ hấp thu thức ăn tốt hơn.

Sau khi ngừng tiêu chảy, tiếp tục chế độ ăn giàu năng lượng, cung cấp thêm mỗi ngày một bữa phụ trong ít nhất hai tuần. Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, chế độ bữa phụ nên tăng cường đến khi trẻ đặt mức chiều cao, cân nặng bình thường.

Tránh cho trẻ ăn rau sợi thô, thịt nhiều gân xơ, hạt ngũ cốc nguyên hạt khó tiêu như ngô, đậu vì khó tiêu hóa.

 Nếu không có sẵn oresol , có thể sử dụng hỗn hợp đơn giản gồm 1 lít nước sạch, 1⁄2 thìa muối và 8 thìa cà phê đường. Ngoài ra, có thể dùng 8 thìa cà phê bột gạo hoặc các loại ngũ cốc khác thay cho đường. Cách này cần được đun sôi từ 5 đến 6 phút để tạo ra một dung dịch loãng và để nguội. Có thể thêm nửa cốc chuối nghiền, nước dừa hoặc nước trái cây vào đồ uống để cung cấp kali. Trẻ em nên được cho uống đồ uống bù nước sau mỗi vài phút, ngay cả khi trẻ bị nôn ói, cho đến khi trẻ có thể đi tiểu và uống nước tốt.


BSCK1 Nguyễn Quang Anh Tuấn – T3G

 

Tạp Chí Bệnh Viện

Tạp Chí Số 3 - Niềm Tin

Tập san hình ảnh “Niềm tin 3” chuyên đề về Covid - 19, với hy vọng thông qua Tập san hình ảnh này gửi đến các đồng nghiệp, các anh chị đồng nghiệp tuyến trên, các cơ quan đóng trên địa bàn, bạn bè gần xa, các tấm lòng hảo tâm để cùng cảm nhận và sẻ chia những thông tin về những ngày chống dịch Covid – 19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
02353747432