Trường Hợp Xoắn Tinh Hoàn Hiếm Gặp
Trường Hợp Xoắn Tinh Hoàn Hiếm Gặp
Bs.Lê Văn Minh
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng tinh hoàn tự xoay quanh trục của nó, làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Gây phù nề, xung huyết hoặc nặng hơn là hoại tử tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% các trường hợp gặp ở tuổi dậy thì, trẻ nhỏ. Thường bị 1 bên, hiếm khi xoắn tinh hoàn cả 2 bên.
Đây là một cấp cứu tối cấp, người bệnh được phẫu thuật sớm để tháo xoắn, tốt nhất là trong 6h đầu, phẫu thuật càng muộn thì nguy cơ tinh hoàn bị hoại tử và phải cắt bỏ tinh hoàn càng cao.
Tinh hoàn có khả năng phục hồi 83% khi xử lý sớm trước 6h, 70% trước 10h, sau 10h chỉ còn 10% và nếu sau 24h thì khó có khả năng giữ lại phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn có các triệu chứng như :
- Đau đột ngột hay nặng một bên tinh hoàn.
- Bìu sưng.
- Buồn nôn, nôn mữa.
- Có thể đau bụng 1 bên phía tinh hoàn xoắn.
- Khi nâng tinh hoàn lên người bệnh thấy đau nhiều hơn.
- Khám mất phản xạ cơ bìu
Siêu âm Dopler tinh hoàn giúp đánh giá tình trạng mạch máu tinh hoàn khi xoắn với dấu “xoáy nước” điển hình. Vì vậy nó có giá trị cao trong chẩn đoán.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, trong năm nay chúng tôi gặp 2 trường hợp xoắn tinh hoàn, được phẫu thuật tháo xoắn thành công:
- Một trường hợp đến sớm trong 4h đầu, được chẩn đoán xoắn tinh hoàn (T) và mổ cấp cứu, phẫu thuật tháo xoắn và cố định lại tinh hoàn chống tái phát. Trường hợp này cho kết quả khả quan, tinh hoàn phục hồi rất tốt.
- Trường hợp còn lại, người bệnh được điều trị tại tuyến dưới ngày thứ 3. Được chẩn đoán xoắn tinh hoàn (P) và phẫu thuật cấp cứu ngay sau khi chuyển lên Bệnh viện ta. Khi mổ cho thấy tinh hoàn bị tím, tiết nhiều dịch hồng, xoắn 2 vòng. Bệnh nhân được xử trí : tháo xoắn, ủ ấm tinh hoàn, nhỏ lidocain vào thừng tinh, rạch mở bao tráng giải áp và cố định lại tinh hoàn.
Sau mổ tinh hoàn có hồng trở lại, quyết định bảo tồn tinh hoàn. Tuy nhiên khả năng tinh hoàn (P) chức năng giảm đi nhiều, nguy cơ viêm tinh hoàn mạn tính hoặc teo tinh hoàn sau này.
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ dậy thì. Việc chẩn đoán cũng như phẫu thuật khá là đơn giản. Tuy nhiên, đi cùng với việc thiếu hiểu biết là sự chủ quan xem nhẹ, dẫn đến người bệnh vào viện khi đã trễ, dù được phẫu thuật nhưng tinh hoàn phục hồi kém, hoặc nặng hơn là hoại tử phải cắt tinh hoàn. Vì vậy, điều này cần cảnh tỉnh người bệnh khi có các triệu chứng đau đột ngột vùng bìu, cần nhanh chóng đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.